VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 4 giảm sâu hơn

PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 4 giảm sâu hơn

11:39 - 04/05/2023

Số đơn hàng mới giảm với tốc độ nhanh nhất từ đầu năm 2023 do nhu cầu vẫn yếu.

Dữ liệu khảo sát ngành sản xuất Việt Nam tháng 4 của S&P Global báo hiệu sự sụt giảm sâu hơn nữa do nhu cầu vẫn yếu. Cả sản lượng và số lượng đơn hàng mới đều giảm trong tháng thứ hai liên tiếp. Theo đó, các công ty giảm việc làm và mua đầu vào. Đồng thời, áp lực chi phí tiếp tục giảm bớt, tạo cơ hội cho doanh nghiệp hạ giá bán của mình để cố gắng kích cầu.

Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) của ngành sản xuất giảm từ 47,7 trong tháng 3 xuống 46,7 trong tháng 4. Đây là lần giảm thứ 5 trong 6 tháng qua, và mức giảm lần này lớn nhất từ đầu năm đến nay.

Sản lượng sản xuất giảm tháng thứ hai liên tiếp khi doanh nghiệp báo cáo khó đảm bảo các đơn hàng mới do nhu cầu yếu. Mức giảm tháng 4 nhanh hơn mức trong tháng 3.

Khó khăn trong việc đảm bảo đơn hàng mới được thể hiện qua sự sụt giảm hơn nữa trong tổng số đơn hàng mới và đơn hàng xuất khẩu mới. Tốc độ giảm tổng số đơn hàng mới nhanh hơn so với kỳ khảo sát trước, trong khi tốc độ giảm số đơn hàng xuất khẩu mới nhẹ hơn.

Số đơn hàng mới giảm đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp có thể giải quyết thêm lượng công việc tồn đọng, khiến chỉ số này giảm tháng thứ tư liên tiếp. Trong khi đó, tồn kho thành phẩm tăng lên mức cao nhất trong 2 năm.

Các doanh nghiệp sản xuất tiếp tục thu hẹp quy mô nhân sự của mình, thông qua việc không thay thế lao động nghỉ việc cũng như cắt giảm việc làm để đáp ứng khối lượng công việc thấp hơn. Tốc độ giảm lao động ở mức cao nhất trong 2 năm.

Các doanh nghiệp cũng giảm mua đầu vào trong tháng 4, tháng thứ hai liên tiếp diễn ra tình trạng này. Việc nhu cầu mua đầu vào giảm giúp dẫn đến thời gian sản xuất bình quân được rút ngắn tháng thứ tư liên tiếp. Một số công ty cũng báo cáo tình hình vận chuyển được cải thiện.

Với việc giảm mua đầu vào, lượng tồn kho đầu vào được ghi nhận giảm lần thứ tư liên tiếp. Mặc dù vậy, kỳ vọng tương lai tích cực khuyến khích một số công ty bổ sung tồn kho, khiến mức giảm tồn kho không quá lớn.

Tâm lý tích cực phản ánh hy vọng rằng nhu cầu kém hiện tại chỉ là tạm thời, với sự phục hồi sẽ diễn ra trong suốt năm tới. Tuy nhiên, mức độ lạc quan trong tháng 4 thấp nhất từ đầu năm.

Tốc độ lạm phát chi phí đầu vào chậm lại trong tháng thứ hai liên tiếp, xuống mức thấp nhất trong 35 tháng với một số doanh nghiệp báo cáo giá nguyên liệu thấp hơn. Các doanh nghiệp cho biết những mặt hàng đầu vào tăng giá thường có liên quan đến nhiên liệu và dầu mỏ.

Việc áp lực chi phí giảm và nhu cầu kém đi kết hợp với nhau dẫn đến giảm giá đầu ra, chấm dứt chuỗi 3 tháng tăng giá liên tiếp. Giá cả hạ xuống trên các lĩnh vực hàng tiêu dùng, trung gian và đầu tư.

“Hiện tại, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam dường như đang trải qua giai đoạn chậm lại, với các doanh nghiệp khó tìm đơn hàng mới. Các doanh nghiệp vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới, mặc dù tâm lý đó đang kém đi khi số đơn hàng mới giảm trong những tháng gần đây”, theo Andrew Harker – Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence.

“Các nhà sản xuất đã bắt đầu giảm giá để cố gắng kích thích nhu cầu, với áp lực chi phí giảm tạo cơ hội giảm giá bán. Trên thực tế, giá đầu vào tăng với tốc độ chậm nhất trong gần 3 năm qua”.

Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê gần đây cho thấy kim ngạch xuất khẩu trong tháng 4 giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục xu hướng đi xuống do nhu cầu lao dốc từ các đối tác thương mại và tăng trưởng kém của nền kinh tế thế giới.