VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»PV Gas lần đầu nhập khẩu khí hóa lỏng

PV Gas lần đầu nhập khẩu khí hóa lỏng

11:30 - 16/11/2021

PV Gas đang hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ việc nhập khẩu LNG từ năm 2022, chủ yếu dùng để phát điện.

Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) có kế hoạch nhập khẩu lô hàng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên vào năm 2022, theo một tuyên bố của doanh nghiệp. PV Gas cũng cho biết đang hoàn thiện kho chứa LNG đầu tiên với công suất 1 triệu tấn/năm.

Công ty khởi công xây dựng kho chứa Thị Vải tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu từ tháng 10/2019. Hiện tại, 90% khối lượng công việc của dự án đã hoàn thành, và PV Gas đặt mục tiêu đưa kho chứa vào hoạt động trong quý III/2022.

Dự án kho chứa LNG Thị Vải dự kiến đưa vào hoạt động từ quý III/2022.

Dự án kho chứa LNG Thị Vải dự kiến đưa vào hoạt động từ quý III/2022.

PV Gas cho biết các dự án liên kết như trạm xuất nhiên liệu LNG tại Thị Vải và đường ống nối từ cảng Thị Vải đên Khu công nghiệp Phú Mỹ ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang trong quá trình thực hiện.

Các nhà máy điện sẽ tiêu thụ khoảng 70% sản lượng LNG của PV Gas. Phần còn lại được sử dụng bởi các nhà máy hóa dầu và công nghiệp, cũng như phương tiện giao thông vận tải.

PV Gas đã ký 6 hợp đồng khung mua bán LNG với các nhà cung cấp nước ngoài, nhưng không nêu tên cụ thể những đối tác này. Trong năm 2019, PV Gas ký hợp đồng khung với Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) để cung cấp LNG cho các nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 tại tỉnh Đồng Nai.

Thông báo của PV Gas được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ gần đây đã tham gia một số nỗ lực toàn cầu nhằm vào nhiên liệu hóa thạch để giúp giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu.

Ngày 2/11, Việt Nam tham gia Cam kết toàn cầu về khí metan cùng với hơn 100 quốc gia khác nhân dịp Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26). Mục tiêu chung của cam kết này là giảm phát thải khí metan toàn cầu ít nhất 30% vào năm 2030 so với mức năm 2020.

Tại COP26, Việt Nam cũng cam kết loại bỏ dần và không xây dựng hoặc đầu tư vào các dự án điện than mới, đồng thời cam kết sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Vào ngày 9/11, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương điều chỉnh dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 (Quy hoạch điện VIII), để phản ánh cam kết không phát thải ròng của Việt Nam tại COP26. Bộ cũng được yêu cầu rà soát kỹ lưỡng một số dự án điện đã được quy hoạch, đặc biệt là các nhà máy điện than.