VNReport»Kinh tế»Tài chính»Quản lý gia sản cá nhân trong thời chuyển đổi số

Quản lý gia sản cá nhân trong thời chuyển đổi số

16:19 - 13/01/2025

Quản lý gia sản cá nhân tập trung vào việc làm tăng giá trị của tài sản. Trong thời đại mọi thứ đều được số hoá như hiện nay, quản lý gia sản cá nhân truyền thống bắt đầu nhường chỗ cho các hình thức quản lý hiện đại, tận dụng công nghệ số.

Quản lý gia sản là quá trình tổ chức, điều chỉnh và kiểm soát các tài sản của một cá nhân hoặc một tổ chức để đảm bảo tối ưu hóa giá trị và lợi ích. Nói một cách đơn giản, đó là việc quản lý tài sản một cách hiệu quả để nó sinh lời và đem lại lợi ích cho chủ sở hữu.

Theo một khảo sát của Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý Tài sản FIDT, đến năm 2030, ước tính tại Việt Nam có khoảng 50 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu với chi tiêu hộ gia đình từ 30 – 300 triệu/tháng.  Ngoài ra, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2050. Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam dự kiến ​​sẽ tăng lên 26% dân số vào năm 2026.

Với các dự đoán này, không khó nhận ra sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu trong tương lai. Với số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu sẽ tăng đáng kể, nhu cầu quản lý gia sản hiệu quả để đảm bảo cuộc sống ổn định và đạt được các mục tiêu tài chính sẽ tăng lên.

Số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu tăng dẫn đến cũng tăng.

Quản lý gia sản là một quá trình phức tạp, đòi hỏi kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm. Ngày nay, không nhiều người theo dõi sát sao tài chính của bản thân, từ đó dễ đưa ra những quyết định tài chính sai lầm. Thực tế, hiện nay, đang có ba dòng tiền tương ứng với các tài sản, cụ thể:

Đầu tiên, dòng tiền thường xuyên liên quan đến những tài sản tiêu dùng như bất động sản để ở, phương tiện di chuyển và các tài sản giá trị lớn khác.

Thứ hai, dòng tiền kinh doanh bao gồm các tài sản như góp vốn vào cửa hàng, đầu tư vào doanh nghiệp và danh mục kinh doanh ngắn hạn.

Thứ ba, tài sản đầu tư bao gồm các khoản đầu tư tài chính như tiền gửi tiết kiệm, vàng, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ và cổ phiếu. Ngoài ra, còn có đầu tư bất động sản như đất nền, nhà phố và bất động sản nghỉ dưỡng.

Ngoài các tài sản đã nêu, còn tồn tại những khoản nợ liên quan đến việc tạo ra tài sản đó. Đặc biệt, nợ từ thẻ tín dụng cần được chú ý vì lãi suất rất cao khi chúng ta sử dụng để tiêu dùng, mua sắm trong gia đình, trả góp hoặc sử dụng một số dịch vụ y tế. Bên cạnh đó, cũng có các khoản nợ thế chấp ngân hàng và các khoản vay khác.

Nhìn chung, việc xây dựng bảng cân đối tài sản là rất quan trọng. Nó giúp chúng ta xác định tài sản ròng và đưa ra các phương án tài chính hợp lý, cũng như phòng ngừa rủi ro.

Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, quản lý gia sản hiệu quả, nên ứng dụng các thành tựu của công nghệ vào quản lý gia sản. Theo đó, trước đây, quản lý tài sản thường được thực hiện bằng các phương pháp truyền thống như ghi chép sổ sách, sử dụng bảng tính. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, các ứng dụng và phần mềm quản lý tài sản ngày càng trở nên phổ biến. Chúng giúp người dùng theo dõi các khoản thu chi, đầu tư, nợ nần một cách trực quan và chính xác hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, không ít người vẫn gặp rủi ro như thua lỗ hoặc mất tiền do kiến thức tài chính hạn chế và thiếu sự hỗ trợ từ các chuyên gia tư vấn tài chính. Sự gia tăng người dùng gặp vấn đề này có thể làm giảm lòng tin của công chúng vào thị trường tài chính.

Để phát triển bền vững cho thị trường tài chính, cần nâng cao kiến thức tài chính, xây dựng đội ngũ cố vấn tài chính độc lập, và nâng cao chất lượng các sản phẩm tài chính.

Nhìn chung, quản lý tài sản cá nhân trong thời đại số mang đến nhiều cơ hội mới nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Để thành công, cần kết hợp kiến thức tài chính, công nghệ, đồng thời hết sức cẩn trọng trong quá trình quản lý cũng như đầu tư.

https://diendandoanhnghiep.vn/quan-ly-gia-san-ca-nhan-trong-thoi-chuyen-doi-so-10130927.html