VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Quý I, Kinh tế TP HCM tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương

Quý I, Kinh tế TP HCM tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương

10:32 - 31/03/2023

Kinh tế TP HCM chỉ tăng trưởng 0,70% trong quý I, đứng thứ 56/63 địa phương. Hải Phòng tăng mạnh nhất trong số các thành phố trực thuộc trung ương và đứng thứ 3/63 địa phương.

Trong quý I, TP HCM ghi nhận tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thấp hơn 4 thành phố trực thuộc trung ương còn lại, theo Tổng cục Thống kê.

Cụ thể, TP HCM chỉ đạt mức tăng trưởng GRDP 0,70%, đứng thứ 56 trong số 63 địa phương trên cả nước.

Tốc độ tăng trưởng chậm của TP HCM – địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước – đóng góp vào mức tăng trưởng thấp của GDP cả nước trong quý I.

Trong số 5 thành phố trực thuộc trung ương, Hải Phòng có tốc độ tăng GRDP cao nhất, đạt 9,65%, đứng thứ 3 trong số 63 địa phương. Hai tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn Hải Phòng là Hậu Giang và Bình Thuận, lần lượt ở mức 12,67% và 9,86%.

Đà Nẵng là thành phố trực thuộc trung ương tăng trưởng nhanh thứ hai, đứng thứ 19/63 địa phương với tốc độ 7,12%. Hà Nội đứng ở nhóm giữa bảng xếp hạng (32/63 địa phương) với GRDP tăng 5,8%. Cần Thơ xếp thứ 43/63 địa phương với GRDP tăng trưởng 4,02%.

Ở TP HCM, khu vực dịch vụ – vốn chiếm hơn 65% GRDP – chỉ tăng trưởng 2,07% trong quý I, với 4/9 ngành dịch vụ trọng điểm suy giảm gồm kinh doanh bất động sản, y tế và hoạt động cứu trợ xã hội, thông tin và truyền thông, và vận tải kho bãi. Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 3,6%. Còn khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản dù tăng trưởng 2,06% nhưng quy mô nhỏ nên không đóng góp nhiều vào tăng trưởng chung.

Kinh tế Hải Phòng tăng trưởng nhanh trong quý I nhờ sự đóng góp lớn của khu vực công nghiệp và xây dựng. Trong khi khu vực này suy giảm trên quy mô cả nước trong 3 tháng đầu năm, công nghiệp và xây dựng Hải Phòng lại tăng mạnh 10,09%, đóng góp 6,09 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP của thành phố. Trong đó, giá trị gia tăng của lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng 11,97%, đóng góp 5,84 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Khu vực dịch vụ của “thành phố hoa phượng đỏ” cũng tăng trưởng 10,21%, đóng góp 3,77 điểm phần trăm.

Ở Đà Nẵng, du lịch và dịch vụ là động lực tăng trưởng chính, với tổng giá trị gia tăng tăng 7,84% so với cùng kỳ. Khu vực dịch vụ tăng trưởng 11,53%, đóng góp 8,86 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Tương tự, ở Hà Nội, khu vực dịch vụ cũng đóng vai trò chủ đạo khi tăng trưởng 7,4%, đóng góp 5,64 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Ở Cần Thơ, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,60%, đóng góp 0,08 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,64%, đóng góp 0,87 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,19%, đóng góp 3,33 điểm phần trăm.

Nhận xét về tình hình kinh tế trong quý I, Tổng cục Thống kê cho biết: “Kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn. Lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn”.

Điều đó khiến tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa cả nước 3 tháng đầu năm giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 79,17 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như điện thoại và hàng điện tử giảm 11-15%.

Điều này được phản ánh trong tình hinh kinh tế của tỉnh Bắc Ninh – nơi đặt nhà máy sản xuất điện thoại thông minh của Samsung. Trong quý I, GRDP của Bắc Ninh giảm 11,8%, xếp 63/63 địa phương trên cả nước.

Nhu cầu thế giới thấp, cùng với thị trường bất động sản trong nước trì trệ, khiến khu vực công nghiệp và xây dựng cả nước giảm 0,4% trong quý I. Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,2%.

Trong khi đó, khu vực dịch vụ – tăng trưởng 6,79% – đóng góp gần như toàn bộ mức tăng trưởng GDP trong quý.