VNReport»Công nghệ»Thế giới số»Quy mô nền kinh tế số Việt Nam đạt 36 tỉ USD

Quy mô nền kinh tế số Việt Nam đạt 36 tỉ USD

10:50 - 12/11/2024

Dự kiến tổng giá trị giao dịch (GMV) của nền kinh tế số Việt Nam đạt 36 tỉ USD trong năm 2024, trong đó thị trường thương mại điện tử là trụ cột chính khi đóng góp 22 tỉ USD.

Mới đây, báo cáo của e-Conomy SEA 2024 của Google, Temasek và Bain & Company công bố số liệu cho thấy trong năm 2024, nền kinh tế số của Việt Nam tiếp tục bứt phá mạnh mẽ với những bước tiến trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), tài chính số và thanh toán không dùng tiền mặt.

Thương mại điện tử chiếm tỉ trọng lớn nhất

Theo báo cáo, tổng giá trị giao dịch (GMV) của nền kinh tế số Việt Nam dự kiến đạt 36 tỉ USD, tăng trưởng 16% so với năm trước, trong đó thị trường thương mại điện tử chiếm tỉ trọng lớn nhất, tăng 18% đạt 22 tỉ USD. Trong đó các ngành vận tải và thực phẩm đóng góp 4 tỉ USD, du lịch trực tuyến góp 5 tỉ USD và truyền thông trực tuyến góp 6 tỉ USD.

Thương mại điện tử hiện cũng chính là ngành đang chiếm tỉ trọng cao nhất trong nền kinh tế số. Một trong những yếu tố thúc đẩy lĩnh vực này bùng nổ đó là sự gia tăng đột biến của người dùng Internet. Hiện nay, hàng triệu người trên khắp khu vực đang tham gia nền kinh tế kỹ thuật số với tư cách là người sáng tạo, doanh nhân và người tiêu dùng. Sự gia tăng đột biến về người dùng Internet này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn thay đổi cách mọi người sống, làm việc và tương tác.

Tổng giá trị giao dịch (GMV) của nền kinh tế số Việt Nam dự kiến đạt 36 tỉ USD.

Thương mại qua video đã giúp thúc đẩy tăng trưởng trong phân khúc thương mại điện tử, chiếm 20% tổng giá trị hàng hóa (GMV) dự kiến đạt 159 tỷ USD trong năm 2024. Tỷ lệ này tăng lên từ dưới 5% GMV trong năm 2022. Hơn nữa, sự xuất hiện của nhiều sàn TMĐT xuyên biên giới cũng thúc đẩy lĩnh vực này phát triển khi tạo ra một môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, thị trường thương mại điện tử hiện chiếm phần lớn doanh thu, có thể đạt 35 tỷ USD vào năm 2024, tăng từ 31 tỷ USD vào năm 2023. Tốc độ tăng trưởng này đã chậm lại so với mức tăng 39% từ 23 tỷ USD năm 2022 lên 31 tỷ USD năm 2023.

Thanh toán kỹ thuật số

Thanh toán kỹ thuật số là một điểm nhấn trong nền kinh tế số của Việt Nam khi ghi nhận tổng giá trị giao dịch (GTV) ấn tượng, tăng từ 126 tỉ USD vào năm 2023 lên 149 tỉ USD vào năm 2024. Dư nợ cho vay kỹ thuật số cũng tăng vọt lên 6 tỉ USD.

Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được thúc đẩy mạnh mẽ bởi các sáng kiến cộng đồng và giải pháp tài chính sáng tạo. Sự phát triển của ví điện tử cùng với việc áp dụng rộng rãi thanh toán bằng mã QR đã làm giảm đáng kể các giao dịch tiền mặt. Các sáng kiến của Chính phủ cũng giúp tiêu chuẩn hóa hệ thống thanh toán và nâng cao khả năng tương tác, khuyến khích hơn nữa việc chuyển đổi khỏi tiền mặt.

Kinh tế số với trọng tâm là phát triển AI

Chính phủ Việt Nam đã công bố một lộ trình phát triển kỹ thuật số tham vọng, với trọng tâm là AI và công nghệ bán dẫn. Hiện nay, nền kinh tế số Đông Nam Á đang trải qua thời kỳ chuyển mình đầy năng động khi các doanh nghiệp tìm kiếm những cách thức sáng tạo để đạt được lợi nhuận, góp phần tạo nên một hệ sinh thái bền vững và linh hoạt hơn. Và AI chính là đáp án đó.

Việc Việt Nam công bố lộ trình phát triển kinh tế số với trọng tâm là AI sẽ hỗ trợ nâng cao hiệu quả kinh tế và cải thiện các dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân trong thời đại số hóa.

Theo báo cáo, TP.HCM và Đà Nẵng đang dẫn đầu về mức độ quan tâm và nhu cầu sử dụng AI tại Việt Nam với các chủ đề giáo dục, tiếp thị và chăm sóc sức khỏe.

Ngành du lịch Việt Nam cũng ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là du khách từ các khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam tăng và khách từ khu vực Đông Nam Á chiếm hơn 50% tổng chi tiêu khách quốc tế.

Các sáng kiến thúc đẩy tương tác người dùng và cải thiện trải nghiệm số hóa đang góp phần quan trọng trong xu hướng tăng trưởng của kinh tế số ở Việt Nam.


https://tuoitre.vn/quy-mo-nen-kinh-te-so-viet-nam-dat-36-ti-usd-20241111133508736.htm