VNReport»Kinh tế»Tài chính»Quy tắc 60-40 trong việc lập ngân sách

Quy tắc 60-40 trong việc lập ngân sách

15:32 - 31/10/2024

Một trong những bước quan trọng nhất của kế hoạch quản lý tài chính cá nhân là lập ngân sách. Đây là một bước quan trọng để giúp cá nhân kiểm soát và tối ưu hoá chi tiêu.

Theo đó, ngân sách sẽ giúp người dùng xác định rõ nguồn thu nhập và các khoản chi tiêu hàng tháng. Nghĩa là người lập kế hoạch sẽ có một cái nhìn tổng quan về tài chính, người tiêu dùng có thể dựa vào đó dễ dàng nhận diện những khoản chi quan trọng và không cần thiết, từ đó điều chỉnh chúng, bảo đảm rằng họ đang sống trong khả năng tài chính của mình.

Bên cạnh đó, khi đã xác định được các khoản chi tiêu cần thiết, người dùng có thể dành một phần thu nhập cho quỹ tiết kiệm, thúc đẩy tiết kiệm. Tiết kiệm sẽ giúp xây dựng một quỹ dự phòng cho những tình huống khẩn cấp mà còn tạo cơ hội cho các mục tiêu tài chính dài hạn, như mua nhà, đầu tư hoặc nghỉ hưu.

Đặc biệt, ngân sách còn giúp cá nhân đặt ra các mục tiêu tài chính cụ thể và theo dõi tiến độ đạt được. Hơn nữa, lập ngân sách còn giúp người dùng phát hiện và khắc phục những thói quen tiêu dùng xấu, từ đó tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự ổn định tài chính trong tương lai.

Lập ngân sách giúp cá nhân đặt ra các mục tiêu tài chính cụ thể và theo dõi tiến độ đạt được

Song, không phải ai cũng biết cách lập ngân sách sao cho phù hợp với thu nhập và nhu cầu của bản thân. Một trong những quy tắc lập ngân sách phổ biến nhất hiện nay, đó là quy tắc 60-40. Đây là một phương pháp quản lý tài chính cá nhân đơn giản giúp phân chia thu nhập thành các khoản tiêu dùng và tiết kiệm một cách hiệu quả.

Theo đó, quy tắc 60-40 nghĩa là chia thu nhập của bạn thành hai phần chính 60% thu nhập cho các nhu cầu thiết yếu, còn 40% còn lại dành cho các mục tiêu tài chính và chi tiêu theo sở thích.

Trong đó 60% sẽ bao gồm những chi phí sinh hoạt hằng ngày mà bạn không thể cắt giảm như tiền thuê nhà, tiền ăn uống, điện nước, giao thông, bảo hiểm, và các hóa đơn hàng tháng.

Việc dành 60% thu nhập cho các khoản chi tiêu cần thiết giúp bạn đảm bảo rằng các nhu cầu cơ bản được đáp ứng mà không gặp khó khăn tài chính.

40% còn lại bao gồm tiết kiệm, đầu tư, trả nợ, và các chi tiêu không thiết yếu như giải trí, du lịch, mua sắm cá nhân.

Trong 40% này bạn có thể sử dụng để tạo thành quỹ tiết kiệm khẩn cấp dùng cho những tình huống khẩn cấp, quỹ tiết kiệm dài hạn để tích luỹ và mục chi tiêu theo sở thích cá nhân để thoả mãn những nhu cầu của bản thân.

Thực tế, tùy thuộc vào hoàn cảnh, 60% tổng thu nhập của bạn có thể không đủ để trang trải chi tiêu cơ bản của hộ gia đình. Có nhiều người phải dành toàn bộ thu nhập để trang trải cho những cho phí sinh hoạt hằng ngày. Thậm chí, chỉ riêng chi phí nhà ở có thể khiến mục tiêu này trở nên ngoài tầm với. Cuộc khảo sát công bố năm 2022 của Pew Research cho thấy, gần một nửa số người thuê nhà ở Mỹ chi hơn 30% tổng thu nhập của họ cho nhà ở; một số khác thì con số chi tiêu cho nhà ở chiếm tới 50% tổng thu nhập. Lạm phát cao có thể gây thêm căng thẳng cho ngân sách của bạn.

Do đó, không nhất thiết phải để 60% cho cho các chi phí thiết yếu. Bạn có thể linh động thay đổi sao cho phù hợp với thu nhập hoặc nhu cầu của mình, nhưng hãy cố gắng kiểm soát nó cố định trong khoảng từ 60 – 70% nhé. Nếu được, có thể xem xét giảm bớt chi phí sinh hoạt, xem xét lại căn nhà đang thuê để có mức chi trả chi phí này thấp hơn, cố gắng hạn chế những thói quen không cần thiết cũng giúp tiết kiệm được nhiều hơn.

Nhìn chung, lập ngân sách theo quy tắc 60-40 giúp tạo ra sự cân bằng giữa việc đáp ứng nhu cầu hiện tại và xây dựng sự ổn định tài chính trong tương lai. Hãy cố gắng tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc này để kiểm soát tài chính cá nhân một cách hiệu quả nhất, đồng thời đảm bảo rằng bạn có đủ nguồn lực để đạt được các mục tiêu tài chính dài hạn.

https://nhipcaudautu.vn/tai-chinh/di-cung-f0/quy-tac-60-40-trong-viec-lap-ngan-sach-3360185/