VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Rác thải ùn ứ ở Hà Nội, nhà máy điện rác Sóc Sơn vẫn chạy thử

Rác thải ùn ứ ở Hà Nội, nhà máy điện rác Sóc Sơn vẫn chạy thử

12:11 - 20/06/2022

Nhà máy điện rác Sóc Sơn vẫn chưa thể hoạt động hết công suất do các vấn để về thủ tục, giấy tờ pháp lý, theo chủ đầu tư.

Tình trạng rác thải ùn ứ tại các tuyến phố nội thành Hà Nội xuất hiện trong nhiều ngày qua, nhất là tại các quận, huyện thu gom rác theo hình thức xã hội hóa như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm. Nguyên nhân được lý giải là do hạ tầng Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn) quá tải, khiến phương tiện ra vào bãi rác khó khăn, công tác thu gom, vận chuyển bị ảnh hưởng lớn.

Đây không phải là lần đầu tiên người dân thủ đô khổ sở vì rác thải chất đống trên vỉa hè, lề đường, đặc biệt khi bãi rác Nam Sơn đã quá tải các ô chôn lấp.

Bãi rác này được xây dựng từ năm 1996. Sau nhiều lần mở rộng và chia giai đoạn, đến nay, nó có diện tích khoảng 120 ha. Theo quy hoạch được phê duyệt, bãi rác có quy mô 157 ha đến năm 2020, 257 ha đến năm 2030 và 280 ha đến năm 2050, tại các xã Bắc Sơn, Nam Sơn và Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn). Bãi có nhiệm vụ xử lý rác thải của 12 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành Hà Nội.

Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội – đơn vị vận hành bãi rác Nam Sơn – cho biết, hơn một năm nay, lượng rác đưa vào bãi rác bình quân khoảng 5.000 tấn/ngày, tương đương khoảng 1.825.000 tấn/năm.

Rác thải ùn ứ ở Hà Nội trong những ngày gần đây do bãi rác Nam Sơn quá tải.

Rác thải ùn ứ ở Hà Nội trong những ngày gần đây do bãi rác Nam Sơn quá tải.

Tuy nhiên, do hoạt động đã nhiều năm, diện tích mở rộng không đáng kể, vẫn sử dụng hình thức chôn lấp nên các ô chứa rác của bãi rác Nam Sơn luôn trong tình trạng quá tải, vượt so với thiết kế khoảng 1,69 triệu tấn.

Trong bối cảnh đó, nhà máy điện rác Sóc Sơn được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn vào công việc xử lý rác thải của Hà Nội. Nhưng đến thời điểm hiện tại, sau nhiều lần lùi tiến độ, dự án vẫn đang trong giai đoạn chạy thử.

Nhà máy này thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) được UBND thành phố chấp thuận đầu tư trên diện tích khoảng 17,51 ha. Dự án khởi công từ tháng 8/2019. Nhà máy có công suất thiết kế là 4.000 tấn rác khô/ngày (tương đương 5.500 tấn rác ướt). Cùng với các công trình phụ trợ, công trình hạ tầng đồng bộ, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Năng lượng Thiên Ý, tổng thầu MCC (Trung Quốc) thực hiện.

Theo kế hoạch, nhà máy đốt rác Thiên Ý sẽ hoạt động theo 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1, chủ đầu tư sẽ vận hành lò đốt rác số 3, công suất 800 tấn/ngày, rác tiếp nhận 1.000 tấn/ngày, công suất phát 15MW. Giai đoạn 2, vận hành lò đốt số 2 và số 4 công suất 800 tấn/lò/ngày, rác tiếp nhận 3.000 tấn/ngày, công suất phát của 2 tổ máy là 45MW. Giai đoạn 3, lò đốt số 1 và số 5 sẽ tiếp nhận rác với công suất 800 tấn/lò/ngày, công suất xử lý rác 4.000 tấn/ngày, rác tiếp nhận của nhà máy 5.000 tấn/ngày, tổng công suất phát điện 75MW.

Kế hoạch là vậy, nhưng đến thời điểm này, bản thân chủ đầu tư vẫn chưa thể biết khi nào dự án mới có thể hoạt động hết công suất, dù các hạng mục phục vụ đốt rác phát điện đã cơ bản hoàn thành.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, đại diện Công ty Cổ phần Năng lượng Thiên Ý chia sẻ, theo kế hoạch điều chỉnh, nhà máy vận hành giai đoạn 1 từ ngày 20/1/2022, giai đoạn 2 từ 22/2 và giai đoạn 3 từ ngày 25/3. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhà máy vẫn đang vận hành thử nghiệm giai đoạn 1, tức chậm hơn so với kế hoạch hơn 4 tháng.

Lý giải về việc liên tục bị chậm tiến độ, bà Nguyễn Thị Hồng Vân – đại diện Công ty Cổ phần Năng lượng Thiên Ý – cho biết do có sự thay đổi về các quy định của luật nên công ty đang phải điều chỉnh giấy phép đầu tư, khiến thời gian hoạt động chậm mất vài tháng so với kế hoạch.

Cụ thể, theo kế hoạch, giai đoạn 2, giai đoạn 3 được triển khai vào tháng 3 và tháng 4, nhưng vướng mắc về thủ tục khiến thời gian vận hành của các giai đoạn này kéo dài đến tháng 6 và tháng 7. Bởi lẽ, chỉ sau khi điều chỉnh quyết định đầu tư, đơn vị mới được phép nộp hồ sơ xin cấp giấy phép đảm bảo vệ sinh môi trường lên Bộ Tài nguyên và Môi trường. Và theo kế hoạch, sau khi hoàn thành việc điều chỉnh quyết định đầu tư, đơn vị sẽ đẩy nhanh tiến độ gửi hồ sơ xin cấp giấy phép đảm bảo môi trường lên Bộ Tài nguyên và Môi trường để phấn đấu đưa giai đoạn 2 vào vận hành cuối tháng 6 – đầu tháng 7, giai đoạn 3 cuối tháng 7 – đầu tháng 8.

Hiện tại, nhà máy đốt rác Thiên Ý đang chạy thử nghiệm để căn chỉnh hệ thống. Quá trình chạy thử nghiệm, căn chỉnh dự kiến ​​mất 30-40 ngày. Trong thời gian này, nhà máy sẽ đốt được 140-200 tấn rác/ngày. Sau khi hoàn thành căn chỉnh, công suất của dự án sẽ từng bước được tăng lên để đạt công suất kế hoạch 800 tấn/ngày.