VNReport»Kinh tế»Tài chính»Reuters: Việt Nam dự định nới lỏng quy định thanh toán chứng khoán cho quỹ ngoại

Reuters: Việt Nam dự định nới lỏng quy định thanh toán chứng khoán cho quỹ ngoại

16:50 - 25/10/2023

Theo các nguồn tin của Reuters, Việt Nam dự định cho phép các công ty chứng khoán trong nước bảo lãnh thanh toán cho các quỹ nước ngoài. Như vậy, quỹ ngoại sẽ không còn phải chi tiền 2 ngày trước khi nhận được cổ phiếu. Sự điều chỉnh này nhằm tiến tới việc nâng hạng thị trường, có thể giúp chứng khoán Việt Nam nhận hàng trăm triệu USD mới từ nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam đang có kế hoạch nới lỏng thủ tục thanh toán chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài, các nguồn tin nói với Reuters. Đây là một biện pháp quan trọng để thuyết phục các tổ chức quốc tế nâng hạng thị trường Việt Nam và thu hút hàng trăm triệu USD đầu tư mới.

Theo mô hình của Trung Quốc, Việt Nam sẽ cho phép các môi giới bảo lãnh cho nhà đầu tư nước ngoài khi họ mua cổ phiếu. Động thái như vậy được FTSE coi là một bước tiến có thể giúp loại bỏ rào cản pháp lý đã cản trở việc nâng hạng thị trường trong nhiều năm.

Hiện tại, sàn chứng khoán TP HCM (HoSE) là sàn nhỏ nhất trong số các nền kinh tế chính ở Đông Nam Á và bị cả MSCI và FTSE – hai tổ chức xếp hạng thị trường lớn – phân loại là thị trường cận biên. Điều này ngăn cản nhiều quỹ và nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu Việt Nam.

Cơ chế thanh toán mới là một bước tiến quan trọng để FTSE nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cơ chế thanh toán mới là một bước tiến quan trọng để FTSE nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo những người quen thuộc với cuộc thỏa luận, tuần trước, các chuyên gia của FTSE đã đến Việt Nam và được trình bày chi tiết kế hoạch mới nhằm phá vỡ bế tắc kéo dài nhiều năm.

“Các cuộc họp tuần trước với FTSE rất tích cực và có thể dẫn đến việc nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp vào tháng 9/2025”, theo Lê Thị Lệ Hằng, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SSI và trực tiếp tham gia vào kế hoạch.

Để đạt được mốc thời gian đó, FTSE sẽ cần thông báo nâng hạng sớm nhất vào tháng 9 năm sau, 6 hoặc 12 tháng trước khi chính thức nâng hạng, theo quy trình của họ.

Nếu được nâng hạng, Việt Nam sẽ tham gia cùng với Indonesia, Philippines, Qatar và Trung Quốc trong nhóm thị trường mới nổi, tiến lên từ nhóm cận biên đang bao gồm những thị trường kém phát triển hơn như Sri Lanka và Kenya. Việt Nam đang chiếm 38% tổng giá trị vốn hóa của nhóm thị trường cận biên.

Miếng bánh trăm triệu USD

Theo kế hoạch mới, Việt Nam sẽ áp dụng cơ chế giải quyết thanh toán cho giao dịch cổ phiếu có thể đáp ứng yêu cầu quan trọng từ FTSE để được nâng hạng.

Ở các thị trường tiên tiến, nhà đầu tư thanh toán giao dịch 2 ngày sau khi mua cổ phiếu, nhưng ở Việt Nam, họ phải chi tiền ngay trong ngày, gây ra chi phí và rủi ro cao hơn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Để vượt qua rào cản này, kế hoạch của Việt Nam là sử dụng một cơ chế tương tự như đang được dùng ở Trung Quốc. Theo đó, các công ty chứng khoán trong nước sẽ bảo lãnh thanh toán cho các quỹ nước ngoài, tương đương với việc cho các quỹ nước ngoài vay tiền trong 2 ngày đến khi hoàn thành giao dịch.

Các công ty chứng khoán trong nước phải chấp nhận rủi ro nhất định, nhưng họ sẽ hưởng lợi từ dòng vốn mới mà SSI ước tính có thể vào khoảng 800 triệu USD chỉ riêng từ các quỹ thụ động, với giả định tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số thị trường mới nổi là 1%.

Các quỹ chủ động được ước tính sẽ đầu tư gấp 5 lần vào chỉ số thị trường mới nổi FTSE. Điều này có thể mang lại lợi ích lớn hơn nhiều cho sàn HoSE – nơi đang có tổng giá trị vốn hóa 179 tỷ USD.

Trong báo cáo cập nhật mới nhất về Việt Nam phát hành vào tháng trước, FTSE cho biết mặc dù tiến độ cải cách thị trường theo kế hoạch vẫn còn chậm, nhưng chính phủ đã tái cam kết thực hiện những công việc cần thiết. “Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) cho thấy động lực mới trong việc tìm kiếm một giải pháp khả thi nhằm loại bỏ nhu cầu thanh toán trước”, FTSE viết.

Theo các nguồn tin, việc nâng hạng thị trường đồng thời từ MSCI là không khả thi do các yêu cầu khắt khe hơn của tổ chức này.

Theo quy định của Việt Nam, các ngân hàng không được phép cấp tín dụng cho người nước ngoài. Điều này đã cản trở sự tham gia của khối ngoại và làm phức tạp tiến trình nâng hạng.

Các nguồn tin cho biết cơ chế mới vẫn cần được hoàn thiện và trải qua thời gian thử nghiệm kéo dài nhiều tháng trong khi điều chỉnh các quy định hiện hành.

Biện pháp này cũng đối mặt với một số lời chỉ trích ở Trung Quốc. Các quỹ ngoại kêu gọi nước này loại bỏ yêu cầu thanh toán trước, hoặc ít nhất cho phép các ngân hàng tham gia để giúp giao dịch dễ dàng hơn và thu hút nhiều nhà đầu tư hơn.