VNReport»Công nghệ»Thế giới số»RMIT Việt Nam: Ngành âm nhạc kỹ thuật số Việt Nam có tiềm năng lớn

RMIT Việt Nam: Ngành âm nhạc kỹ thuật số Việt Nam có tiềm năng lớn

12:13 - 26/12/2024

Doanh thu phát nhạc trực tuyến tại Việt Nam dự kiến đạt 40 triệu USD trong năm 2024, trở thành phân khúc dẫn đầu của ngành công nghiệp âm nhạc, theo một nghiên cứu.

Một nghiên cứu mới của Đại học RMIT Việt Nam về bức tranh âm nhạc kỹ thuật số tại Việt Nam trong năm 2024 và 2025 – công bố vào ngày 19/12 – đã lý giải cách việc tiêu thụ âm nhạc hòa nhập vào cuộc sống hàng ngày ở Việt Nam.

Trích dẫn dữ liệu từ Statista và We Are Social, báo cáo nêu rằng doanh thu phát nhạc trực tuyến tại Việt Nam dự kiến ​​ đạt 40 triệu USD trong năm 2024, trở thành phân khúc dẫn đầu của ngành công nghiệp âm nhạc. Dù Việt Nam chỉ đứng thứ 7 trong khu vực theo doanh thu bình quân đầu người (0,26 USD hay 6 nghìn đồng/người), tiềm năng của thị trường nhạc kỹ thuật số vẫn đáng kể.

Biểu đồ: RMIT Việt Nam.

Biểu đồ: RMIT Việt Nam.

Theo kết quả nghiên cứu trên các nền tảng phát nhạc trực tuyến phổ biến, YouTube – với tỷ lệ người dùng 99,6% – là nền tảng hàng đầu trong 2 năm qua nhờ vào việc mở rộng thị trường và các dịch vụ âm nhạc chất lượng cao với tính năng cá nhân hóa hiện đại.

TikTok bám sát YouTube với tỷ lệ người dùng 99%, nhờ sự phổ biến của các video ngắn và bài hát thịnh hành. Facebook, đứng thứ ba với 96%, cho thấy sức mạnh trong việc kết nối người dùng và chia sẻ nội dung âm nhạc.

Nghiên cứu của RMIT Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng người hâm mộ (fan) đóng vai trò quan trọng trong thành công của nghệ sĩ, định hình sự thay đổi trong việc tiêu thụ nhạc kỹ thuật số.

“Mối quan hệ giữa nghệ sĩ và fan thường được hình thành một cách tự nhiên khi fan bị thu hút bởi âm nhạc và hình ảnh của nghệ sĩ. Trong khi người nghe bình thường nghe nhạc ngẫu nhiên do các nền tảng đề xuất thì người hâm mộ nhiệt thành (superfan) tích cực tương tác và hỗ trợ nghệ sĩ yêu thích thông qua các hoạt động trực tuyến và tham dự các sự kiện trực tiếp”.

Biểu đồ: RMIT Việt Nam.

Biểu đồ: RMIT Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu đã lập bản đồ hành trình âm nhạc của người hâm mộ, bắt đầu bằng việc khám phá và tiến triển thông qua việc khai thác, duy trì, mua và ủng hộ. Người hâm mộ thể hiện lòng trung thành bằng cách chi tiêu cho nhiều sản phẩm khác nhau, trong đó các mặt hàng đồng thương hiệu có sự góp mặt của nghệ sĩ đặc biệt được ưa thích. Nhiều người hâm mộ chi hơn 1 triệu đồng cho các sản phẩm cao cấp, trong khi các gói đăng ký và album hoặc đĩa đơn được ưa chuộng ở mức giá dễ tiếp cận hơn.

Superfan – chiếm 13% lượng người hâm mộ tại Việt Nam – là những người ủng hộ trung thành nhất. Họ tích cực đóng góp bằng cách mua album, tham dự các buổi biểu diễn và dành thời gian và tiền bạc để theo dõi nghệ sĩ yêu thích của mình. Trung bình, một superfan chi 21 USD mỗi tháng cho các gói đăng ký nền tảng âm nhạc kỹ thuật số, kênh phát sóng của nghệ sĩ, nhóm câu lạc bộ người hâm mộ trên mạng xã hội và vật phẩm như đĩa nhạc và quà lưu niệm hợp tác thương hiệu.

Hoạt động sôi nổi của các superfan đang định hình đáng kể ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam. Báo cáo giải thích rằng: ” Với hơn 75% lượng tiêu thụ âm nhạc vẫn tập trung vào các sản phẩm trong nước, superfan, đặc biệt là Gen Z, đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mức độ nổi tiếng của nghệ sĩ trong nước”.

“Không nghe nhạc một cách thụ động, họ tích cực quảng bá cho thần tượng, mua vé các buổi hòa nhạc và đưa nghệ sĩ lên hàng top của các nền tảng như YouTube và Spotify. Lấy cảm hứng từ văn hóa K-pop, mô hình này thường mang lại thành công nhờ tương tác mạnh mẽ trên mạng xã hội và tham gia sự kiện”.

Phó Giáo sư Nguyễn Văn Thăng Long thuộc nhóm nghiên cứu cho biết superfan có ảnh hưởng đáng kể đến sự nghiệp của nghệ sĩ, họ có thể nhiệt tình ủng hộ nhưng cũng có thể quay lưng nếu kỳ vọng của họ không được đáp ứng.

“Điều này tạo ra cơ hội kết nối sâu sắc hơn với người hâm mộ, nhưng cũng đặt ra thách thức trong việc quản lý hình ảnh công chúng của nghệ sĩ. Nghệ sĩ và đội ngũ quản lý phải cẩn trọng điều hướng kỳ vọng của người hâm mộ và duy trì hình ảnh tích cực, tránh không bị họ xa lánh”, Phó Giáo sư nói.