VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Sabeco báo lãi cao nhất lịch sử

Sabeco báo lãi cao nhất lịch sử

12:01 - 28/07/2022

Đại gia bia tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu tiêu dùng phục hồi và mở cửa du lịch quốc tế.

Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2022. Trong đó, lợi nhuận ròng của đại gia bia này đạt 1.793 tỷ đồng, mức cao nhất mà Sabeco từng ghi nhận trong một quý.

Doanh thu thuần trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 đạt hơn 9.000 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức doanh số tốt nhất của Sabeco trong một quý kể từ đầu dịch Covid-19 (năm 2020) đến nay.

Cùng với sự gia tăng của doanh thu, tỷ suất lợi nhuận gộp của Sabeco cũng được cải thiện từ 31% lên 35%. Qua đó, lãi gộp của nhà sản xuất Bia Sài Gòn tăng gần 40% so với quý II/2021.

Doanh thu và lợi nhuận gộp đều tăng mạnh nhưng chi phí của Sabeco không thay đổi nhiều so với cùng kỳ. Kết quả là lợi nhuận sau thuế của Sabeco tăng 67% so với quý II/2021 – cao nhất trong lịch sử doanh nghiệp.

Theo ban lãnh đạo Sabeco, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhờ Việt Nam mở cửa trở lại với du lịch quốc tế và nhu cầu tiêu dùng phục hồi. Ngoài ra, cơ sở so sánh của cùng kỳ năm ngoái rất thấp khi công ty bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty báo cáo doanh thu hơn 16.300 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế tăng gần 50%, đạt hơn 3.000 tỷ đồng sau nửa năm. Năm nay, kế hoạch doanh thu của ông lớn ngành bia là gần 35.000 tỷ đồng doanh thu và gần 4.600 tỷ đồng lợi nhuận. Như vậy, sau 6 tháng, Sabeco đã hoàn thành gần 50% chỉ tiêu doanh thu và 65% chỉ tiêu lợi nhuận.

Theo SSI Research, Sabeco đã tiến hành 2 đợt tăng giá đối với tất cả các nhãn hiệu bia vào tháng 12/2021 và tháng 3-4/2022, trong bối cảnh các công ty lớn trong ngành đồng loạt tăng giá bán. Do nguồn nguyên liệu đã được đảm bảo từ trước nên việc tăng giá giúp Sabeco duy trì biên lợi nhuận gộp cao hơn so với trước dịch.

Đồng thời, công ty cũng đã hoàn thành việc mở rộng 2 nhà máy bia tại Lâm Đồng và Quảng Ngãi, phục vụ nhu cầu nâng cao năng lực sản xuất. Hai năm trở lại đây, các nhà máy của công ty chỉ hoạt động ở mức 60-80% công suất thiết kế do ảnh hưởng của Covid-19.

Một lợi thế khác cho Sabeco, theo SSI Research, là phân khúc bia bình dân vẫn tăng trưởng tốt trong 2 năm đại dịch trong khi phân khúc cao cấp thu hẹp. Nhờ đó, thị phần của Sabeco vẫn tăng trong thời kỳ đại dịch, tạo tiền đề cho công ty tiếp tục tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu SAB tăng giá gần 15% từ đầu năm đến nay, là một trong số ít cổ phiếu vốn hóa lớn đi ngược lại thị trường chung.