VNReport»Kinh tế»Tài chính»Saigonbank: Nợ có khả năng mất vốn chiếm 58,4% tổng nợ xấu, trích lập dự phòng 450 tỷ đồng

Saigonbank: Nợ có khả năng mất vốn chiếm 58,4% tổng nợ xấu, trích lập dự phòng 450 tỷ đồng

08:17 - 15/05/2023

Trong 3 tháng đầu năm, nợ xấu nội bảng của Saigonbank đạt mức 423,5 tỷ đồng, tăng gần 35 tỷ đồng so với hồi đầu năm, tương đương tăng 8,8%.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương – Saigonbank được thành lập năm 1987. Đây là Ngân hàng cổ phần Việt Nam đầu tiên được thành lập trong hệ thống Ngân hàng cổ phần tại Việt Nam.

Thông tin từ website của ngân hàng này thì ngân hàng có quan hệ đại lý với 562 ngân hàng và chi nhánh tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Hiện nay ngân hàng là đại lý thanh toán thẻ Visa, Master Card, JCB, CUP… và là đại lý chuyển tiền kiều hối Moneygram.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023, tính đến 31/3/2023, nguồn thu chính trong quý của Saigonbank là thu nhập lãi thuần tăng 5,28% đạt mức 223,4 tỷ đồng; Lãi từ hoạt động dịch vụ đạt gần 10 tỷ đồng, tăng 13,36%; Lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng tăng 6,51% lên 17,2 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi từ hoạt động khác giảm tới 72,53% chỉ còn 12,9 tỷ đồng.

Nợ nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn chiếm 58,4% tổng nợ xấu của Saigonbank với mức 252,7 tỷ đồng, tăng 7,8%.

Chi phí hoạt động của Saigonbank ở mức gần 131 tỷ đồng, tăng 22,01% so với cùng kỳ. Do vậy, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng đạt mức 136,5 tỷ đồng, giảm 22,77%, Trong kỳ, Saigonbank cũng trích lập 31,7 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 59,4% so với quý 1/2022.

Dư nợ cho vay của Saigonbank đạt 18.770,85 tỷ đồng, tăng 8,72% so với cùng kỳ năm trước. Huy động vốn của Saigonbank quý 1 đạt 21.793,19 tỷ đồng, tăng 13,11% so với cùng kỳ năm trước, phù hợp với tăng trưởng tín dụng, đảm bảo an toàn hoạt động. Cho vay khách hàng của Saigonbank lại ghi nhận mức sụt giảm 1,25% so với hồi đầu năm xuống mức 18.480,9 tỷ đồng.

Tỷ lệ cho vay so với tổng tiền gửi đạt 82,27%, đáp ứng đúng quy định của NHNN là tỷ lệ phải thấp hơn 85%. Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được kiểm soát ở mức 16,21% (so với yêu cầu tối đa 34%) cho thấy Saigonbank hoạt động bền vững, đáp ứng yêu cầu về an toàn thanh khoản. Trong kỳ, ngân hàng không phát hành giấy tờ có giá.

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của Saigonbank ngày 31/03/2023 đạt 15,33%, gần gấp đôi so với mức yêu cầu của NHNN là 8%, và thuộc top có CAR cao trong hệ thống. Nợ xấu nội bảng đạt mức 423,5 tỷ đồng, tăng gần 35 tỷ đồng so với hồi đầu năm, tương đương tăng 8,8%. Trong đó, Nợ nhóm 3 – Nợ dưới tiêu chuẩn tăng 2,2% xuống mức gần 77,5 tỷ đồng; Nợ nhóm 4 – Nợ nghi ngờ đạt mức 102,4 tỷ đồng, tăng 17,07%; Đáng chú ý, Nợ nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn chiếm 58,4% tổng nợ xấu của Saigonbank với mức 252,7 tỷ đồng, tăng 7,8%.

Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 2,3% trên tổng dư nợ với số tuyệt đối là hơn 432 tỷ đồng. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu của ngân hàng này lên tới 147%.

Saigonbank hiện còn khoản nợ gần 599 tỷ đồng tại Công ty TNHH MTV Quản Lý Tài Sản Của Các Tổ Chức Tín Dụng Việt Nam (VAMC). Ngân hàng đã phải trích lập cho khoản nợ xấu tại VAMC gần 450 tỷ đồng.

Lợi nhuận hợp nhất Quý 1/2023 của Saigonbank đạt 104,86 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch 300 tỷ đồng lãi trước thuế được đề thì ngân hàng đã thực hiện được 35% chỉ sau quý đầu tiên.

Theo kế hoạch kinh doanh, năm 2023, Saigonbank dự kiến phát hành 30,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để chi trả cổ tức với tỷ lệ 10%, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Dự kiến sau khi phát hành, vốn điều lệ sẽ tăng từ mức 3.080 tỷ đồng lên 3.388 tỷ đồng. Số vốn tăng thêm sẽ được Saigonbank sử dụng để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, đầu tư hạ tầng chuyển đổi số, mở rộng mạng lưới hoạt động, mở rộng hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn…

Saigonbank cũng đặt mục tiêu đến cuối năm 2023, tổng tài sản đạt 29,400 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Vốn huy động và dư nợ cho vay tăng lần lượt 6% và 6.9%, đạt 24,750 tỷ đồng và 20,915 tỷ đồng. Nợ xấu (nhóm 3-5) sẽ vẫn đảm bảo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.