Doanh thu mảng sản xuất linh kiện bán dẫn của Samsung trong quý 2 năm nay đạt 22,74 nghìn tỷ won (khoảng 19,7 tỷ USD). Trong khi đó, doanh thu của Intel là 18,5 tỷ USD, giảm gần 6,1% so với quý 1/2021.
Hiện nay, tình trạng thiếu chip đang ngày càng trầm trọng tại Mỹ và Châu Âu, gây cản trở cho sự phát triển của không ít tập đoàn. Tuy nhiên, việc xây dựng các nhà máy sản xuất chất bán dẫn rất tốn kém và không phải nước nào cũng mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này.
Do đó, Intel cùng Samsung và TSMC là 3 tập đoàn duy nhất có khả năng cạnh tranh trực tiếp với nhau trong việc sản xuất các linh kiện bán dẫn. TSMC hiện là tập đoàn dẫn đầu toàn ngành với 55% thị phần, trong khi đó Samsung chỉ chiếm 17% và có thể sẽ bứt phá trong thời gian tới nhờ triển vọng phát triển khả quan.
Hơn 4 năm qua, Intel được xem như vị vua của lĩnh vực chất bán dẫn và hầu như không có đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, vị thế đó đã không còn được duy trì trong năm 2021 khi AMD và Samsung liên tục bứt phá với các dòng sản phẩm hiệu năng cao.
Trong đầu năm 2021, Intel đã chính thức bổ nhiệm tân giám đốc điều hành Pat Gelsinger với hy vọng giành lại vị trí vốn có sau những thất bại liên tiếp. Trong tuyên bố nhậm chức, CEO Gelsinger khẳng định hãng có tham vọng đua tranh với những ông lớn trong ngành và sẽ hiện thực hóa điều đó bằng các hợp đồng sản xuất chip tiên tiến nhất.
Tuy nhiên, việc Samsung vươn lên vị trí số 1 cũng đã phản ánh nhu cầu của thị trường. Doanh thu chất bán dẫn toàn cầu trong năm 2021 dự kiến sẽ tăng 12,5% lên mức 522 tỷ USD nhờ những đợt hàng dồi dào từ Mỹ và Châu Âu. Đặc biệt, doanh thu mảng bộ nhớ trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng 33% trong năm 2021, trong khi các dòng CPU được dự báo sẽ chỉ thêm 4%. Trong khi đó, doanh thu chính của Intel lại đến từ các bộ xử lý trung tâm (CPU) với giá hàng trăm USD, khá cao khi đến tay người tiêu dùng phổ thông.