VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Sản lượng giày Nike có thể giảm 160 triệu đôi do đóng cửa nhà máy ở Việt Nam

Sản lượng giày Nike có thể giảm 160 triệu đôi do đóng cửa nhà máy ở Việt Nam

11:34 - 16/09/2021

Những thách thức chuỗi cung ứng ở Việt Nam có thể ảnh hưởng đến sản lượng của Nike đến mùa xuân năm 2022, theo ngân hàng đầu tư BTIG.

Vào tháng 7, Nike thông báo rằng hoạt động sản xuất tại Việt Nam phải tạm dừng do Covid-19 lây nhiễm qua các cơ sở sản xuất và cộng đồng.

Kể từ đó, những công ty khác, bao gồm Yeti, Adidas và RH đã cho biết việc tạm dừng sản xuất ở Việt Nam là một phần của những thách thức chuỗi cung ứng mà các công ty này phải đối mặt khi bước vào mùa mua sắm lễ hội cuối năm.

“Chúng tôi tin rằng nguy cơ, bắt đầu vào kỳ nghỉ này và kéo dài ít nhất là đến mùa xuân tới, đã tăng đáng kể cho Nike khi họ đang phải đối mặt với ít nhất 2 tháng hầu như không có sản lượng tại các nhà máy Việt Nam, chiếm 51% đơn vị giày dép và 30% đơn vị may mặc (43% tổng số đơn vị) vào năm ngoái”, những nhà phân tích của BTIG do Camilo Lyon đứng đầu viết.

51% sản lượng giày dép của Nike được sản xuất ở Việt Nam.

51% sản lượng giày dép của Nike được sản xuất ở Việt Nam.

BTIG ước tính rằng Nike mất 40 triệu đôi giày mỗi tháng do ngừng sản xuất, tương đương tổng cộng 80 triệu đôi.

“Chúng tôi giả định khoảng 4 tháng nữa công suất sản xuất đạt 50% với tổng số 160 triệu đôi có khả năng không được sản xuất trong năm nay”, báo cáo cho biết. “Con số này so với ước tính khoảng 350 triệu đôi được sản xuất vào năm ngoái tại Việt Nam”.

Theo BTIG, sau 9 tuần đóng cửa, các cơ sở sản xuất dự kiến hoạt động lại trong tuần này.

Ngay cả khi những nhà máy hoạt động lại, các nhà phân tích dự đoán năng suất sẽ chậm lại do giãn cách xã hội và cần có thời gian để tăng cường sản xuất trở lại. BTIG dự báo khoảng thời gian từ 5 đến 6 tháng trước khi các nhà máy hoạt động trở lại bình thường, bao gồm 8 tuần để giải quyết công việc tồn đọng.

“Theo tính toán, hiện chúng tôi giả định tăng trưởng đơn vị giày dép có thể giảm -13%, được bù đắp một phần bởi giá +3%. Do sự phức tạp liên quan đến việc sản xuất giày dép (so với sự dễ dàng của việc sản xuất quần áo), chúng tôi không tin rằng Nike có thể chuyển sản lượng sang nơi khác để thu hồi số lượng đã mất”, báo cáo cho biết.

Một số công ty khác cùng ngành đã chuyển một phần công suất ra ngoài Việt Nam. “Steve Madden chuyển 50% sản lượng của mình sang Mexico/Brazil vào đầu năm nay. Có vẻ đây là quyết định chính xác vì dường như điều này đã ngăn chặn nhiều vấn đề chuỗi cung ứng đã trở nên tồi tệ hơn trong 3 tháng qua”, một báo cáo khác cho biết.

BTIG hạ đánh giá cổ phiếu Nike từ “mua” xuống “trung tính” với dự báo doanh số bán hàng giảm sút. “Trong suốt lịch sử của mình, cổ phiếu của Nike có mối tương quan chặt chẽ nhất với tăng trưởng doanh số bán hàng. Vì vậy, với bằng chứng ngày càng tăng cho thấy doanh số bán hàng có thể sẽ bị đình trệ, chúng tôi tin rằng cổ phiếu của Nike chỉ có thể giữ nguyên giá cho đến khi các vấn đề sản xuất rõ ràng hơn”, báo cáo viết.

“Mặc dù Nike thường có các công cụ cực kỳ tốt để quản lý những gián đoạn như trên, nhưng chúng tôi e rằng vấn đề này quá lớn để có thể kiểm soát được, ngay cả đối với thương hiệu thể thao hoạt động tốt nhất trên thế giới”.