VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Sản xuất nông lâm, thủy sản Việt Nam khởi sắc nhất 6 tháng đầu năm

Sản xuất nông lâm, thủy sản Việt Nam khởi sắc nhất 6 tháng đầu năm

08:10 - 03/07/2023

Theo Tổng cục thống kê, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (NLTS) 6 tháng đầu năm 2023 đạt kết quả khá, đóng góp quan trọng trong mức tăng trưởng chung của nền kinh tế và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Để đạt được mức tăng trưởng ổn định nêu trên, 6 tháng đầu năm 2023 ngành NLTS đã đạt được những thuận lợi về điều kiện thời tiết tương đối phù hợp với phát triển NLTS; Các địa phương quan tâm đến việc dịch chuyển cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật cho trong sản xuất NLTS; Các hoạt động sản xuất NLTS nhìn chung đã có nhiều nỗ lực để duy trì ở mức ổn định, đáp ứng các nhu cầu trong nước (tiêu dùng dân cư, đầu vào cho sản xuất công nghiệp…) và xuất khẩu.

Điều này thể hiện qua mức tăng trưởng 3,06% của Giá trị sản xuất toàn ngành NLTS 6 tháng đầu năm 2022 (quý II đạt mức 3,23%). Mức tăng trưởng này đến từ kết quả sản xuất tích cực, sản lượng của nhiều sản phẩm NLTS tăng khá như xoài, cam, vải, sầu riêng, lợn, gà, gỗ khai thác, thủy sản nuôi trồng…

Trong 5 tháng đầu năm tổng trị giá xuất khẩu của cả nước giảm, tuy nhiên xuất khẩu một số hàng nông sản chủ yếu (gạo, sắn, rau quả, hạt điều, cà phê, chè, hạt tiêu…) tăng 21,6% so với cùng kỳ. Đạt 7,7 tỷ USD với tỷ trọng 5,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Ước tính 6 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ yếu đạt 9,7 tỷ USD.

Tuy nhiên trong thời gian tới, ngành NLTS vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ do tác động của kinh tế toàn cầu, đặc biệt tại các thị trường chính của các doanh nghiệp sản xuất NLTS Việt Nam như EU, Châu Mỹ, Nhật Bản…

Khi người tiêu dùng tại các quốc gia này thắt chặt chi tiêu, nhu cầu đối với các sản phẩm không thiết yếu như đồ gỗ cắt giảm mạnh nên thị trường tiêu thụ đồ gỗ rất chậm. Đây là những yếu tố chính khiến đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và thủy sản giảm mạnh.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan: tính chung 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 3,38 tỷ USD, giảm 27,9% so với cùng kỳ năm 2022  trong đó xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 562,5 triệu USD, giảm 48,3% so với cùng kỳ năm 2022; trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,96 tỷ USD, giảm 29,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 3,37 tỷ USD, giảm 34,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, ngày 16/5/2023, Hội đồng châu Âu (EC) đã thông qua quy định sẽ cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản, gồm: Cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ và đồ gỗ, gia súc, ca cao, cao su và một số sản phẩm phái sinh từ các quốc gia, vùng lãnh thổ mà quy trình sản xuất được thực hiện trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020 vào thị trường EU.

Như vậy, những sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam sẽ buộc phải tuân thủ quy định của EU về chống phá rừng, suy thoái rừng gồm: Cà phê, gỗ và đồ gỗ, ca cao, cao su.

Đây là thách thức và cũng là cơ hội để các ngành hàng tại Việt Nam tái cấu trúc, đặc biệt là cà phê phát triển bền vững. Yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm nông sản là đòi hỏi tất yếu từ thị trường, trong đó có thị trường EU.