VNReport»Chưa được phân loại»Sẽ có dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua mã QR giữa Việt Nam và Trung Quốc

Sẽ có dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua mã QR giữa Việt Nam và Trung Quốc

09:45 - 14/10/2024

Mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường có chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên trên cương vị mới. Đây chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Trung Quốc tới Việt Nam sau 11 năm. Chính vì thế, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường có ý nghĩa đặc biệt với quan hệ song phương, khi hai nước hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và ngay sau các chuyến thăm quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai bên.

Đặc biệt, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác giữa hai nước tại trụ sở chính. Trong đó, đáng chú ý nhất là nội dung liên quan đến sự hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc về việc thành lập Nhóm công tác nghiên cứu về mô hình xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc, trong tương lai rất có thể sẽ có dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua mã QR giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường vẫy tay chào khi đến sân bay Nội Bài. Ảnh: TTXVN.

Cụ thể, các văn kiện hợp tác được trao trước sự chứng kiến của hai Thủ tướng gồm:

  1. Bản ghi nhớ giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc về phương án kỹ thuật kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc);
  2. Biên bản làm việc giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc về việc khảo sát hiện trường nghiên cứu tính khả thi dự án viện trợ lập Quy hoạch các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng – Hà Nội và Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng;
  3. Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc về việc cùng thúc đẩy dự án sửa chữa, bảo trì Cung Hữu nghị Việt – Trung;
  4. Bản ghi nhớ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc về tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực trong khuôn khổ Sáng kiến Phát triển toàn cầu;
  5. Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc về tăng cường hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng nông sản bền vững;
  6. Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc về việc thành lập Nhóm công tác nghiên cứu về mô hình xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc;
  7. Kế hoạch hành động giữa Tổng cục Hải quan Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Chương trình Doanh nghiệp ưu tiên của Hải quan Việt Nam và Chương trình Quản lý tín nhiệm doanh nghiệp của Hải quan Trung Quốc;
  8. Bản ghi nhớ hợp tác giữa Thông tấn xã Việt Nam và Đài Phát thanh truyền hình Trung ương Trung Quốc;
  9. Bản ghi nhớ hợp tác toàn diện giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc;
  10. Bản ghi nhớ giữa Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) với Công ty UnionPay International về việc triển khai dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua mã QR giữa Việt Nam – Trung Quốc.

Như vậy, với các bản ghi nhớ này, đặc biệt là sự hợp tác của Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương Mại Trung Quốc, trong tương lai người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng mua sắm hàng hóa từ Trung Quốc, mở rộng cơ hội tiếp cận với các sản phẩm đa dạng và giá cả cạnh tranh. Chưa kể đến thanh toán xuyên biên giới qua mã QR còn giúp đơn giản hóa quy trình giao dịch, cho phép người tiêu dùng thanh toán nhanh chóng và thuận tiện mà không cần phải đến cửa hàng vật lý. Điều này không những tác động mạnh mẽ đến thương mại điện tử xuyên biên giới mà còn cải thiện trải nghiệm mua sắm, khiến khách hàng có xu hướng mua sắm nhiều hơn.

Được biết, chỉ trong khoảng 5 năm gần đây, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đã tăng hơn 2,5 lần từ mức chỉ 8,06 tỉ USD của năm 2018 lên đến 20,5 tỉ USD vào năm 2023. Chính vì thế, thị trường TMĐT Việt Nam trở thành tầm ngắm mở rộng địa bàn của nhiều nền tảng, trong đó nổi bật nhất là các nền tảng đến từ Trung Quốc.

Theo đó, gần đây, 1688 – trang web TMĐT bán hàng sỉ lớn nhất Trung Quốc đã chính thức cho phép nhà kinh doanh ở Việt Nam đăng ký mua hàng, thanh toán và đã có ngôn ngữ tiếng Việt.

Cùng với 1688, theo công ty nghiên cứu Momentum Works đưa ra, Temu – một trong những sàn TMĐT bán hàng rẻ xuyên biên giới của Trung Quốc được cho là đã âm thầm tiến vào Việt Nam, và có thể sẽ thâu tóm 1 sàn thương mại điện tử Việt. Mặc dù hiện tại phiên bản website của Temu Việt Nam vẫn còn khá thô sơ, nhưng cam kết thời gian giao hàng chỉ từ 4 – 7 ngày nhưng Temu hứa hẹn là một ứng cử viên nặng ký với các sàn TMĐT nội địa Việt Nam.

Thực tế, ngay cả trên ứng dụng nội địa Viettel Post cũng đang âm thầm xuất hiện một mục mới có tên Vipo Mall. Vipo Mall nhận nhiều sự chú ý khi được giới thiệu là giải pháp mua hàng xuyên biên giới từ các nền tảng nội địa Trung Quốc nổi tiếng như Taobao, 1688, Pinduoduo hay JD.com. Các chuyên gia đánh giá Vipo Mall được hiểu là ứng dụng mua hộ, tương tự như Fado, một nền tảng TMĐT mua hộ hàng trên Amazon và giao đến người dùng trong nước. Hiện tại, Viettel Post vẫn chưa công bố chính thức về tính năng này nhưng có thể kỳ vọng nó sẽ hoàn thiện và sớm được công bố trong tương lai.

Nhìn chung, cùng với sự xâm nhập và tạo điều kiện của nhiều nền tảng TMĐT Trung Quốc, thị trường TMĐT Việt Nam trong thời gian tới sẽ có nhiều cạnh tranh. Trong bối cảnh này, nếu có dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua mã QR giữa Việt Nam và Trung Quốc, nó trở thành cú hích mạnh mẽ cho thương mại điện tử tại Việt Nam. Dịch vụ không chỉ thúc đẩy giao dịch, cải thiện trải nghiệm người tiêu dùng, mà còn tạo điều kiện cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước.

https://cafef.vn/se-co-dich-vu-thanh-toan-xuyen-bien-gioi-qua-ma-qr-giua-viet-nam-va-trung-quoc-188241013200259968.chn