VNReport»Kinh tế»Shopee đồng loạt tăng nhiều loại phí, liệu TikTok Shop có cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ?

Shopee đồng loạt tăng nhiều loại phí, liệu TikTok Shop có cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ?

10:54 - 07/10/2024

Theo báo Công Thương, từ tháng 7/2024, Shopee bắt đầu đồng loạt tăng phí thanh toán, phí cố định và phí dịch vụ. Việc Shopee tăng phí sàn đã tác động trực tiếp đến lợi nhuận của nhà bán hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động kinh doanh

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn, lĩnh vực thương mại điện tử nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 25 tỷ USD. Thống kê của NielsenIQ Việt Nam chỉ rõ, người tiêu dùng đang có tần suất mua sắm online cao gấp đôi so với năm 2023. Trung bình, mỗi người mua hàng trực tuyến gần 4 lần mỗi tháng và dành ra hơn 8 giờ mỗi tuần để mua sắm online. Con số này cao gần gấp đôi so với tần suất đi siêu thị hàng tháng của người Việt Nam.

Gần ba phần tư chi tiêu chảy vào Shopee, với tổng giao dịch (GMV) đạt 62.380 tỷ đồng

Được biết, theo báo cáo quý II từ công ty phân tích dữ liệu YouNet ECI, tổng giá trị giao dịch trên sàn (GMV) thương mại điện tử (TMĐT) gồm Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki đạt 87,370 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với quý trước.

Trong đó, gần ba phần tư chi tiêu chảy vào Shopee, với tổng giao dịch (GMV) đạt 62.380 tỷ đồng, chiếm 71,4% thị phần. Xếp thứ hai ngay sau đó vẫn là TikTok Shop với 19.240 tỷ đồng, tương đương 22% thị phần.

Như vậy so với các sàn TMĐT khác, Shopee đang nắm thị phần áp đảo trên thị trường. Tuy nhiên, từ tháng 7/2024, Shopee bắt đầu đồng loạt tăng phí thanh toán, phí cố định và phí dịch vụ. Việc Shopee tăng phí sàn đã tác động trực tiếp đến lợi nhuận của nhà bán hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động kinh doanh. Việc tăng phí không chỉ làm giảm lợi nhuận mà còn có thể dẫn đến tình trạng tăng giá sản phẩm, gây khó khăn cho việc cạnh tranh với những đối thủ khác trên thị trường.

Với sự gia tăng phí trên Shopee, TikTok Shop – đối thủ của Shopee lại nhận được nhiều sự quan tâm khi được xem là một lựa chọn hấp dẫn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. TikTok Shop cho phép người dùng mua sắm trực tiếp từ video và nội dung mà họ xem trên ứng dụng. Sàn TMĐT này chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam vào tháng 4/2022. So với các đối thủ như Lazada và Tiki, TikTok Shop có tốc độ phát triển mạnh mẽ ở trong thời gian ngắn ra mắt thị trường.

Lý giải cho điều này, nhiều người tiêu dùng cho rằng, việc mua sắm thông qua video cho phép người bán dễ dàng tiếp cận và tương tác với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, sàn TMĐT này còn có nhiều tính năng độc đáo giúp tăng cường trải nghiệm mua sắm.

Hơn nữa, trong bối cảnh Shopee đồng loạt tăng giá nhiều loại phí, TikTok Shop với Hệ thống chỉ số ACE được xem là một giải pháp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo đó, Hệ thống chỉ số ACE là mô hình chiến lược được TikTok Shop phát triển nhằm chuẩn hóa quy trình vận hành trên nền tảng và tạo đà tăng trưởng bền vững cho thương hiệu và nhà bán hàng gồm Assortment (danh mục sản phẩm), Content (nội dung) và Empowerment (các hoạt động thúc đẩy tăng trưởng) đã giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có những chỉ số tăng trưởng ấn tượng khi tham gia nền tảng.

Hay nói cách khác dễ hiểu hơn, hệ thống chỉ số ACE gồm: Chỉ số đo lường mức độ thu hút của sản phẩm và nội dung quảng cáo, chỉ số này phản ánh khả năng chuyển đổi từ người xem thành khách hàng thực sự khi tính toán tỷ lệ giữa số lượng người xem sản phẩm và số lượng đơn hàng thực hiện, chỉ số đánh giá mức độ tương tác của người tiêu dùng với sản phẩm và nội dung để biết người tiêu dùng quan tâm đến sản phẩm và có thể dẫn đến tăng trưởng doanh số.

Nhìn chung, bằng cách tối ưu hoá hệ thống chỉ số ACE để nâng cao khả năng tiếp cận, tăng doanh số và xây dựng thương sẽ giúp các nhà bán hàng trên TikTok Shop hiểu rõ hơn về hiệu suất của mình và xác định các lĩnh vực cần cải thiện. Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ có tận dụng các buổi livestream bán hàng để tối ưu hoá chỉ số này.

Livestream là một trong những hình thức mạnh mẽ nhất để thúc đẩy tỷ lệ chuyển đổi. Khi người bán giới thiệu sản phẩm trực tiếp, họ có cơ hội tạo ra sự khẩn cấp và khuyến khích người xem thực hiện giao dịch ngay lập tức trên livestream. Qua đó, người bán có thể tương tác trực tiếp với khách hàng, giải đáp thắc mắc và đưa ra các ưu đãi hấp dẫn, từ đó làm tăng tỷ lệ chuyển đổi.

Như vậy, rõ ràng, TikTok Shop đã tạo bệ phóng phát triển cho nhiều thương hiệu lẫn doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua các giải pháp livestream bán hàng, chương trình tiếp thị liên kết hay trang mua sắm. Bên cạnh đó, ông Hưng Huỳnh – Giám đốc Quốc gia phụ trách TikTok for Business SMB Việt Nam cho biết, TikTok đưa ra cam kết đồng hành, hỗ trợ không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà còn cả hệ sinh thái bao gồm đối tác bán hàng, tiếp thị và nhà sáng tạo nội dung trong việc sử dụng giải pháp quảng cáo TikTok để quảng bá thương hiệu sản phẩm, phát triển kinh doanh trên nền tảng TikTok.

Shopee tăng nhiều loại phí đã đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội mới cho TikTok Shop. Mặc dù TikTok Shop có thể không phải là giải pháp hoàn hảo, nhưng nếu khai thác đúng cách, nó sẽ trở thành một kênh bán hàng hiệu quả, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển bền vững trong tương lai. Trong dịp mua sắm cuối năm, TikTok Shop dự định tăng cường đầu tư gấp 4 lần cho các hoạt động trong và ngoài nền tảng để đẩy mạnh quy mô tiếp cận người dùng và nâng cao trải nghiệm mua sắm.

https://congthuong.vn/co-hoi-vuon-minh-cho-cac-doanh-nghiep-vua-va-nho-tu-tiktok-shop-350283.html