VNReport»Kinh tế»“Siêu đô thị” TP HCM sau sáp nhập chiếm 1/4 GDP cả nước

“Siêu đô thị” TP HCM sau sáp nhập chiếm 1/4 GDP cả nước

10:16 - 15/04/2025

Sáp nhập cùng Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, TP HCM không chỉ mở rộng về địa giới hành chính mà còn tiếp tục củng cố vị trí “đầu tàu” về quy mô kinh tế cả nước.

Theo Nghị quyết số 60 được thông qua tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương đã thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh trên cả nước, giảm từ 63 đơn vị xuống còn 34 đơn vị.

Trong đó, đáng chú ý là việc hợp nhất TP HCM với hai tỉnh lân cận là Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, hình thành một đơn vị hành chính mới mang tên TP HCM. Trung tâm chính trị – hành chính của đơn vị hành chính mới đặt tại TP HCM hiện tại.

Phương án sáp nhập này đánh dấu bước chuyển mình lớn về tổ chức hành chính và quy mô phát triển kinh tế của vùng Đông Nam Bộ, tạo nên một “siêu đô thị” với sức mạnh kinh tế vượt trội.

Biểu đồ: Znews.

Biểu đồ: Znews.

Quy mô kinh tế chiếm 1/4 cả nước

Theo số liệu từ Cục Thống kê, năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá hiện hành của TP HCM đạt gần 1,78 triệu tỷ đồng, tăng 7,17% và dẫn đầu cả nước. So với năm 2015, quy mô nền kinh tế TP HCM đã tăng gần gấp đôi, tương đương mức tăng trưởng 94% trong vòng một thập kỷ.

Tuy nhiên, nếu so với giai đoạn TP HCM đóng góp hơn 25% GDP cả nước, mức tỷ trọng đóng góp 16% hiện nay cho thấy vai trò “đầu tàu” kinh tế của thành phố đang dần lung lay, trong bối cảnh các địa phương khác không ngừng vươn lên mạnh mẽ.

GRDP bình quân đầu người tại TP HCM hiện cũng chỉ xếp vị trí thứ 5, sau Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ninh, Bình Dương và Bắc Ninh.

Do đó, việc sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu vào TP HCM được xem là bước đi đột phá để tạo nên động lực mới cho nền kinh tế số 1 cả nước.

Biểu đồ: Znews.

Biểu đồ: Znews.

Nếu GRDP của TP HCM phụ thuộc nhiều vào khu vực thương mại – dịch vụ với tỷ trọng đến 65,5% năm 2024, Bình Dương những năm gần đây đang nổi lên là địa phương phát triển công nghiệp mạnh mẽ. Tỉnh xếp thứ 3 cả nước về GRDP với giá trị đạt 520.205 tỷ đồng năm 2024, tăng 7,78%, chỉ xếp sau TP HCM và Hà Nội.

Trong khi đó, Bà Rịa – Vũng Tàu có quy mô GRDP năm 2024 đạt 417.306 tỷ đồng, tăng 11,72%, đứng thứ 6 toàn quốc, nhờ lợi thế về các ngành công nghiệp nặng, cảng biển và dầu khí.

Như vậy, TP HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu là 3 trong 6 địa phương có quy mô nền kinh tế lớn nhất cả nước. Tổng cộng, GRDP của vùng đô thị TP HCM sau sáp nhập sẽ vào khoảng 2,71 triệu tỷ đồng, tương đương 114,3 tỷ USD, chiếm gần 24% tổng quy mô GDP cả nước.

Sau sáp nhập, TP HCM không chỉ giữ vai trò trung tâm tài chính và thương mại của cả nước, mà còn sở hữu tiềm lực công nghiệp vượt trội nhờ hệ thống khu công nghiệp và cảng biển được mở rộng đáng kể.

Cuối năm 2024, TP HCM có khoảng 17 khu công nghiệp và 2 khu chế xuất, với tổng diện tích hơn 5.000 ha. Trong khi Bình Dương sở hữu 29 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 12.600 ha và Bà Rịa – Vũng Tàu có 13 khu công nghiệp đang hoạt động, trải rộng trên hơn 7.200 ha. Tính chung 3 địa phương vào đơn vị hành chính mới sẽ có tổng 61 khu công nghiệp và khu chế xuất, với tổng diện tích 24.800 ha.

Nhà máy bia Heineken Vũng Tàu với công suất 1,1 tỷ lít bia/năm. Ảnh: Heineken/Znews.

Nhà máy bia Heineken Vũng Tàu với công suất 1,1 tỷ lít bia/năm. Ảnh: Heineken/Znews.

Ở hệ thống cảng biển, Bà Rịa – Vũng Tàu có hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải đang xử lý công suất vận tải khoảng 10,8 triệu TEU/năm, là cụm cảng nước sâu duy nhất tại Việt Nam có thể tiếp nhận tàu trọng tải lớn đi thẳng đến châu Âu và Bắc Mỹ.

Trong khi đó, Tân Cảng – Cát Lái của TP HCM dù nằm trong nội đô, vẫn duy trì sản lượng hơn 5 triệu TEU/năm, giữ vai trò là cửa ngõ xuất nhập khẩu lớn nhất khu vực phía Nam.

Đáng chú ý, siêu cảng Cần Giờ – biểu tượng chiến lược mới của TP HCM – đi vào hoạt động với công suất thiết kế lên đến 16,9 triệu TEU/năm sẽ nâng tổng năng lực thông quan hàng hóa toàn vùng đơn vị hành chính mới này đạt 32,7 triệu TEU/năm, tương đương với nhiều siêu cảng hàng đầu châu Á.

Triển vọng xây dựng nền kinh tế số và kinh tế xanh của TP HCM cũng thêm vững chắc nhờ sự cộng hưởng từ Bình Dương, địa phương đã bước đầu thu hút thành công vốn đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Sáp nhập cũng sẽ tạo điều kiện để TP HCM tập trung nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), sản xuất chip, pin công nghệ cao và vật liệu mới. Đây đều là những lĩnh vực được xem là xương sống của nền kinh tế đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong tương lai.

Mở rộng dư địa thu hút vốn FDI

Hiện tại, cả TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu đều là những trung tâm thu hút đầu tư mạnh mẽ, sở hữu nhiều khu công nghiệp lớn và các dự án sản xuất, hạ tầng quy mô toàn quốc.

Biểu đồ: Znews.

Biểu đồ: Znews.

Trong đó, TP HCM hiện dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với lũy kế đến năm 2024 đạt gần 59 tỷ USD. Cùng với nguồn lực đầu tư mạnh mẽ, thành phố đang triển khai hàng loạt đề án trọng điểm nhằm nâng tầm vị thế kinh tế.

TP đang đẩy mạnh việc hình thành và phát triển trung tâm tài chính quốc gia theo định hướng quốc tế; Chương trình phát triển Trung tâm Logistics; Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; các tuyến đường vành đai 2, 3 và 4; Trung tâm Hội chợ – Triển lãm Quốc tế; Đề án chống ngập và xử lý nước thải; Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030.

Biểu đồ: Znews.

Biểu đồ: Znews.

Bên cạnh đó, TP HCM và vùng đô thị mở rộng đang thúc đẩy hàng loạt dự án hạ tầng giao thông chiến lược, tạo động lực liên kết vùng và thúc đẩy tăng trưởng.

Nổi bật là dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất; các tuyến đường sắt đô thị trong TP HCM và kết nối ra Bình Dương, tới sân bay Long Thành; tuyến đường vành đai 3 liên kết TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An; cao tốc TP HCM – Mộc Bài; cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; cao tốc Bến Lức – Long Thành; mở rộng vành đai 2 TP HCM kết nối đến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; mở rộng cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây…

Trong khi đó, Bình Dương cũng vươn lên vị trí thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Địa phương này đã ghi nhận tổng vốn FDI lũy kế gần 43 tỷ USD đến cuối năm 2024, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, logistics, sản xuất công nghiệp, phát triển khu đô thị và hạ tầng.

Nhiều dự án quy mô lớn đã hiện diện tại đây như tổ hợp sản xuất của Lego, tuyến đường vành đai 4 TP HCM đi qua địa bàn, cùng các khu công nghiệp chuyên sâu về cơ khí, công nghệ thông tin.

Nhà máy Lego nằm trong Khu công nghiệp VSIP III – Bình Dương. Ảnh: Quỳnh Danh/Znews.

Nhà máy Lego nằm trong Khu công nghiệp VSIP III – Bình Dương. Ảnh: Quỳnh Danh/Znews.

Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đang nổi lên như một địa phương hút dự án quy mô lớn, mục tiêu thành trung tâm năng lượng tái tạo và mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp chiến lược như điện gió ngoài khơi, hóa dầu, khí hóa lỏng, công nghiệp sinh học, cảng biển và công nghệ cao.

Tỉnh đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng với các dự án trọng điểm như mở rộng cụm cảng container Cái Mép, tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu, nâng cấp cảng hàng không Côn Đảo, Dự án bến cảng tổng hợp Long Sơn, khu đô thị Hồ Tràm, bến cảng tổng hợp Long Sơn – Mỹ Xuân…

Về dân số và diện tích, sáp nhập 2 tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu cũng làm thay đổi đáng kể quy mô hành chính của TP HCM.

Bình Dương hiện có diện tích tự nhiên khoảng 2.695 km², dân số hơn 2,42 triệu người. Trong khi đó, Bà Rịa – Vũng Tàu có diện tích khoảng 1.981 km² với khoảng 1,15 triệu người.

Với phương án sáp nhập, tổng diện tích tự nhiên của TP HCM mới dự kiến vượt 6.770 km², tức gấp hơn 3 lần diện tích hiện tại. Tổng dân số vùng đô thị mới này ước đạt khoảng 13,5 triệu người, tăng gần 1,4 lần so với dân số hiện hữu của TP HCM và chiếm hơn 13% dân số cả nước.

Với quy mô diện tích, dân số và kinh tế vượt trội, TP HCM mở rộng được kỳ vọng trở thành đầu tàu kinh tế năng động, đóng vai trò chiến lược trong liên kết vùng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, việc hợp nhất này cũng tạo cơ hội để tổ chức lại hệ thống hạ tầng, dịch vụ công, hành chính góp phần tiết kiệm nguồn lực và thúc đẩy phát triển bền vững trong dài hạn.

Theo:

https://znews.vn/sieu-do-thi-tphcm-sau-sap-nhap-chiem-14-gdp-ca-nuoc-post1545731.html