VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Số đơn hàng giảm, hàng trăm doanh nghiệp sa thải công nhân

Số đơn hàng giảm, hàng trăm doanh nghiệp sa thải công nhân

06:51 - 04/04/2023

Nhiều doanh nghiệp giảm quy mô lao động trong bối cảnh nhu cầu xuất khẩu yếu vì bất ổn kinh tế toàn cầu.

Vào tháng 2, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam – doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất ở TP HCM – công bố kế hoạch không gia hạn hợp đồng lao động với khoảng 3.000 công nhân và sa thải khoảng 3.000 công nhân khác.

Tình hình cũng không khá hơn ở Công ty TNHH Ampfield Việt Nam – doanh nghiệp phải cắt giảm 700 đến 1.000 việc làm với lý do số đơn đặt hàng giảm. Bà Võ Thị Sáu – Chủ tịch Công đoàn Ampfield Việt Nam – cho biết công nhân công ty hiện phải làm việc luân phiên theo ca trong bối cảnh thiếu đơn hàng.

PouYuen và Ampfield chỉ là hai trong số hàng trăm công ty phải sa thải lao động hoặc giảm giờ làm của công nhân trong những tháng gần đây.

Trong quý I/2023, giá trị hàng hóa xuất khẩu giảm 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái vì nhu cầu yếu do tình hình kinh tế thế giới bất ổn. Điều này khiến chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,2%, quy mô khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4% và tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,32% – mức thấp thứ hai trong các quý I từ năm 2011 đến nay.

Trong tháng 3, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục giảm gần 15% so với cùng kỳ. Đồng thời, theo khảo sát của S&P Global, số đơn đặt hàng, sản lượng và việc làm trong ngành sản xuất giảm trong tháng 3 so với tháng 2.

Công ty PouYuen thông báo cắt giảm 6.000 lao động vào tháng 2 năm nay.

Công ty PouYuen thông báo cắt giảm 6.000 lao động vào tháng 2 năm nay.

Công ty TNHH May mặc Dony cũng bị cuốn vào làn sóng cắt giảm việc làm. Họ sa thải nhân viên bán thời gian và chỉ giữ lại đủ nhân viên toàn thời gian để có một đội ngũ cốt cán. Tổng giám đốc Phạm Quang Anh cho biết động thái này là một phần trong nỗ lực của công ty nhằm đối phó với tình trạng số đơn hàng sụt giảm. Ông cũng cho biết một số thương vụ không thành vì các đối tác trả giá quá thấp.

Cuối năm 2022, Công ty TNHH Tỷ Hùng – một doanh nghiệp sản xuất da giày – quyết định sa thải gần 1.200 công nhân, tương đương khoảng 2/3 lực lượng lao động của công ty. Trong thông báo, Tỷ Hùng cho biết công ty không có đủ đơn hàng để duy trì quy mô sản xuất nên buộc phải chấm dứt hợp đồng với người lao động.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA), số đơn đặt hàng từ Liên minh châu Âu (EU) – một khu vực nhập khẩu quần áo lớn – đã giảm 60%. Tương tự, số đơn đặt hàng từ Mỹ giảm khoảng 40%. Nhu cầu yếu đẩy lượng hàng tồn kho lên cao và khiến giá chào mua giảm. Trong ngành dệt may, tổng mức tồn kho chưa bán được đã lên tới gần 25%. Trong khi đó, bên hỏi mua trả giá cao bằng một nửa so với thông thường.

Một báo cáo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, từ đầu năm, khoảng 500 công ty đã phải cắt giảm lực lượng lao động trong bối cảnh kinh tế xấu đi, khiến 640.000 công nhân bị ảnh hưởng. Chế biến gỗ là ngành bị tác động nặng nề nhất, với 70% công nhân bị cho thôi việc hoặc giảm giờ làm. Tiếp theo là ngành công nghiệp với khoảng 50%, giày dép 25% và dệt may 20%.

Chị Thủy – một công nhân có thâm niên 17 năm làm việc tại Công ty TNHH Tỷ Hùng – chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bị sa thải. Chị bị sốc và suy sụp khi nhận tin xấu. Chị cho biết mình đã lớn tuổi nên sẽ không dễ tìm việc. Chị mong cơ quan chức năng có biện pháp giúp những người như chị dễ tìm được công việc phù hợp.

Anh Tâm – một công nhân khác có thâm niên 20 năm tại PouYuen – cảm thấy hoang mang sau thông báo sa thải của công ty. Trong khi chờ đợi gói trợ cấp thôi việc từ công ty, anh phải chạy xe ôm Grab để trang trải cuộc sống.

Những đợt sa thải này tác động nhiều nhất đến người thuộc nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là công nhân phải nuôi con nhỏ, người già hay người thân đau yếu. Một số công nhân về quê nương tựa gia đình, số khác tìm công việc tạm thời để kiếm sống qua ngày.

Cù Phát Nghiệp – Chủ tịch Công đoàn của PouYuen – cho biết công ty đã sử dụng hết mọi phương án để tạo đủ việc làm cho công nhân nhưng đạt được rất ít kết quả. Công ty không còn lựa chọn nào khác ngoài việc giảm biên chế để duy trì hoạt động. Đây là vấn đề rất khó khăn, nhưng không còn giải pháp nào khác.

Công ty đã trích lập 275 tỷ đồng để trả trợ cấp thôi việc cho những công nhân bị cho thôi việc vào tháng 3. Trung bình, họ sẽ được trả 80% lương hàng tháng cho mỗi năm làm việc. Mức trợ cấp có thể lên tới 379 triệu đồng/người đối với những công nhân làm việc lâu năm nhất. Ngoài trợ cấp thôi việc, người lao động sẽ được trả một khoản tiền cho những ngày nghỉ phép chưa sử dụng và được hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo Luật lao động.

Công ty Tỷ Hùng sa thải gần 1.200 công nhân vào cuối năm 2022.

Công ty Tỷ Hùng sa thải gần 1.200 công nhân vào cuối năm 2022.

Trong khi đó, ở Công ty Tỷ Hùng, công nhân bị sa thải được nhận trợ cấp thôi việc trị giá 2 tháng lương cộng với các khoản phụ cấp. Họ cũng được hỗ trợ tìm kiếm việc làm từ các công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động và trung tâm việc làm. Bà Phạm Thị Út – Phó Giám đốc Công ty Ty Hùng – cho biết việc công nhân bị sa thải là điều không thể tránh khỏi do doanh số hàng tháng của công ty giảm từ 250.000 xuống còn 70.000 đôi giày. Công ty hiện có khoảng 500 nhân viên trong biên chế.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM, các đợt sa thải hàng loạt là do số đơn hàng giảm – một tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát của mọi doanh nghiệp.

Nhiều công ty – đặc biệt là PouYuen – trả cho người lao động gói trợ cấp thôi việc cao hơn nhiều so với yêu cầu của pháp luật, cung cấp cho họ một khoảng đệm tốt để tìm việc mới. Ngoài ra, PouYuen cũng không sa thải những \ lao dộng có con dưới 1 tuổi, người gặp khó khăn về tài chính, phụ nữ mang thai hoặc người khuyết tật.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM tuyên bố đã đẩy mạnh việc thanh toán tiền trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm để giúp những người tìm việc trang trải chi tiêu của họ trong thời điểm hiện tại. Sở cũng đã yêu cầu các trung tâm việc làm và trường dạy nghề cung cấp nhiều dịch vụ kết nối việc làm và đào tạo để cải thiện cơ hội tìm được việc mới của công nhân.

Các công đoàn được khuyến khích phân phát gói hỗ trợ do Tổng liên đoàn Lao động khởi xướng cho người lao động thất nghiệp trong khoảng thời gian từ ngày 10/1/2022 đến ngày 31/3/2023, và hỗ trợ cho những người đang gặp khó khăn. Người sử dụng lao động được khuyến khích giữ chân người lao động càng nhiều càng tốt. Doanh nghiệp chỉ nên coi sa thải như là phương án cuối cùng.

HUBA gửi thư tới Chính phủ kêu gọi có thêm các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm kiểm chế làn sóng sa thải. Những biện pháp đó có thể bao gồm các khoản vay ưu đãi, cơ cấu lại nợ, giảm thuế và hỗ trợ phát hành trái phiếu. Hiệp hội cũng kêu gọi cơ quan thuế đẩy nhanh việc hoàn thuế để giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp chế biến gỗ, thoát tình trạng thiếu tiền mặt.

Chủ tịch HUBA Nguyễn Ngọc Hòa đề nghị tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối kinh doanh để giúp các doanh nghiệp kết nối thương mại nhiều hơn với thị trường nước ngoài.