VNReport»Công nghệ»Thế giới số»Số vụ vi phạm về thương mại điện tử tăng 266% trong năm 2024

Số vụ vi phạm về thương mại điện tử tăng 266% trong năm 2024

15:04 - 18/12/2024

Thương mại điện tử hiện nay đang là lĩnh vực tiên phong của kinh tế số. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, người tiêu dùng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro như hàng giả, hàng nhái, lừa đảo. Tính đến giữa tháng 12/2024, lực lượng Quản lý thị trường đã xử phạt vi phạm hành chính 48 tỷ đồng vi phạm thương mại điện tử.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương mới đây, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đạt mức tăng trưởng 18 – 25% mỗi năm. Dự báo năm 2024, quy mô thị trường sẽ vượt mốc 25 tỉ USD. Tuy nhiên, với đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường TMĐT, vấn đề quản lý thị trường, chất lượng hàng hoá nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng.

Theo đó, cùng với sự bùng nổ của TMĐT, mới đây, lực lượng Quản lý đã cho biết, toàn lực lượng đã phát hiện, xử lý 3.124 vụ vi phạm (tăng 266% so với năm 2023), chuyển cơ quan điều tra 4 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 48 tỷ đồng (tăng 220% so với năm 2023), trị giá hàng hóa vi phạm trên 34 tỷ đồng (tăng 440% so với năm 2023). Các đơn vị kiểm tra, xử lý vi phạm trong thương mại điện tử có hiệu quả cao: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Lạng Sơn, Quảng Bình, Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang.

Không chỉ thế, thời gian qua, Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia liên tục tiếp nhận và hỗ trợ giải quyết khiếu nại liên quan tới TMĐT. Đáng lưu ý, các vấn đề được người tiêu dùng phản ánh thường gặp bao gồm chất lượng và số lượng hàng hóa không đảm bảo, dịch vụ vận chuyển không đạt yêu cầu, không đền bù hoặc đổi trả sản phẩm, quảng cáo lừa dối và thông tin sai lệch. Nhóm đối tượng bị tác động chính là trẻ em, người cao tuổi, người dân sống ở vùng nông thôn, vùng cao, vùng xa.

Bên cạnh đó, Đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng chia sẻ, bình quân mỗi tháng có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream với hơn 50.000 người bán tham gia. Tuy nhiên, các sai phạm liên quan đến hàng nhập lậu, hàng giả, trốn thuế diễn biến ngày càng phức tạp. Đối tượng vi phạm thường lập nhiều tài khoản trên các sàn TMĐT hoặc mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok), bán hàng cho người tiêu dùng theo hình thức livestream.

Như vậy, rõ ràng, bên cạnh sự tiện lợi, việc mua phải hàng kém chất lượng trên sàn TMĐT ngày càng có tỉ lệ cao với thủ đoạn phức tạp, tinh vi.

Lực lượng Quản lý đã cho biết, toàn lực lượng đã phát hiện, xử lý 3.124 vụ vi phạm TMĐT

Trước tình hình này, ông Lê Đức Anh – Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, hiện nay cần phải áp dụng giải pháp công nghệ tiên tiến trong định danh người bán, người mua, truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong thương mại điện tử để phòng chống hàng giả.

Thực tế, tại nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng việc định danh người bán hàng qua sàn TMĐT để kiểm soát chất lượng hàng hoá. Khi làm định danh, các cơ quan quản lý có thể đánh giá quy mô, nguồn hàng, kho hàng, địa điểm sản xuất hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ để tập trung xử lý, ngăn chặn.

Hiện nay, tại Việt Nam, để kiểm soát chất lượng hàng hoá trên các sàn TMĐT, cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực để hoàn thiện hạ tầng, khung pháp lý và chính sách phát triển thương mại điện tử và kinh tế số. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã xây dựng hệ sinh thái số tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, bao gồm hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử giữa người dân và doanh nghiệp.

Song song với đó, cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với loại hình nhập khẩu, vận chuyển hàng hoá mua bán qua các ứng dụng trực tuyến, hàng hoá gửi qua chuyển phát nhanh thông qua việc mua bán trên các TMĐT từ nước ngoài chuyển về Việt Nam. Đấu tranh với các hành vi như: làm giả giấy tờ, tài liệu để nhập khẩu trái phép hàng hóa thuộc mặt hàng xuất nhập khẩu có điều kiện…

Với mối quan hệ chặt chẽ của TMĐT và kinh tế số, việc triển khai xây dựng hệ sinh thái số bảo vệ người tiêu dùng sẽ tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong hệ thống xử phạt để giải quyết tốt hơn hành vi vi phạm. Mặt khác, nó còn tăng cường trách nhiệm của sàn giao dịch trong việc cấp phép đăng bán sản phẩm hàng hóa và công khai thông tin của người bán và sản phẩm đầy đủ, chính xác.

Nhìn chung, để bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh TMĐT phát triển như hiện nay, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các nỗ lực của Bộ Công thương ở thời điểm hiện tại được đánh giá cao, tuy nhiên, phía người người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức về việc bảo vệ quyền lợi của mình, lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.

https://baotintuc.vn/kinh-te/xay-dung-he-sinh-thai-so-bao-ve-nguoi-tieu-dung-20241217080814773.htm