VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Sojitz của Nhật Bản mua công ty bán buôn thực phẩm New Viet Dairy

Sojitz của Nhật Bản mua công ty bán buôn thực phẩm New Viet Dairy

17:29 - 24/11/2023

Các doanh nghiệp đa quốc gia đang đẩy mạnh đầu tư vào thị trường phân phối thực phẩm tăng trưởng nhanh của Việt Nam.

Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản vừa mua Công ty cổ phần Đại Tân Việt (New Viet Dairy) – một trong những công ty bán buôn thực phẩm lớn nhất Việt Nam, tham gia làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp đa quốc gia vào một thị trường phân phối thực phẩm đang tăng trưởng nhanh.

Sojitz dự định chuyển New Viet Dairy thành công ty con sau khi mua lại toàn bộ cổ phần của gia đình sáng lập.

Mạng lưới logistics thực phẩm của Việt Nam chưa phát triển đầy đủ, nhưng đây là một thị trường lớn nơi được kỳ vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội kinh doanh khi nền kinh tế tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang thu hút các doanh nghiệp quốc tế muốn sử dụng công nghệ và chuyên môn của họ để phát triển thị trường phân phối thực phẩm trong nước.

New Viet Dairy đạt doanh thu 320 triệu USD vào năm ngoái.

New Viet Dairy đạt doanh thu 320 triệu USD vào năm ngoái.

New Viet Dairy đạt doanh thu 320 triệu USD vào năm ngoái, theo trang web công ty. Công ty bán 2.000 sản phẩm thực phẩm đến 6.000 khách sạn và nhà hàng từ tầm trung đến cao cấp. Không chỉ nhập khẩu thực phẩm, công ty còn sở hữu các cơ sở chế biến thực phẩm. Sojitz nhận thấy tiềm năng của sự kết hợp giữa cơ sở khách hàng và các sản phẩm của doanh nghiệp Việt với tiềm lực của tập đoàn Nhật Bản.

Sojitz đã có hợp tác với Vinamilk – nhà sản xuất sữa lớn nhất Việt Nam – để xây dựng tổ hợp trang trại chăn nuôi bò và chế biến thịt bò theo phong cách Nhật Bản, tổng vốn đầu tư lên tới 500 triệu USD. Sojitz cũng giúp mở chuỗi cửa hàng tiện lợi Ministop tại Việt Nam.

Thông qua các hoạt động này, Sojitz đã thâm nhập vào ngành phân phối thực phẩm của Việt Nam, từ thượng nguồn đến hạ nguồn. “Mục tiêu là hòa vốn ở Việt Nam trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024”, giám đốc tài chính Makoto Shibuya của Sojitz cho biết.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang gia nhập lĩnh vực phân phối thực phẩm ở Việt Nam. Công ty thương mại Marubeni của Nhật Bản đã mua lại cổ phần của Tập đoàn Nguyên liệu Á Châu AIG – một nhà cung cấp nguyên liệu thực phẩm hàng đầu. AIG bán hơn 1.500 sản phẩm thực phẩm cho hơn 1.200 khách hàng doanh nghiệp. Marubeni cũng là cổ đông của Acecook Việt Nam, công ty con của nhà sản xuất mì ăn liền Acecook của Nhật Bản.

Công ty quản lý thị trường Semmaris của Pháp đang chi khoảng 300 triệu USD để phát triển chợ bán buôn nông sản ở huyện Gia Lâm, Hà Nội, với diện tích 1 triệu m2. Chợ sẽ được chia thành 5 khu, mỗi khu phục vụ một loại sản phẩm như rau, thịt hoặc hải sản. Chợ này khác biệt so với các chợ bán buôn khác vì có thiết bị làm lạnh và những thiết bị hiện đại khác.

Các công ty khác cũng đang đầu tư vào hệ thống làm lạnh để giữ thực phẩm tươi ngon. Công ty cổ phần Tân Bảo An Logistics đã hợp tác với nhà kinh doanh thực phẩm đông lạnh Nichirei của Nhật Bản để xây dựng kho lạnh tại Long An, dự kiến khai trương tháng 3/2025. Yokorei của Nhật Bản cũng đang xây dựng kho lạnh tại tỉnh này.

“Việt Nam là một thị trường lớn ở châu Á”, Chủ tịch kiêm CEO Marubeni, Masumi Kakinoki, nói ngày 13/11 khi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Chợ truyền thống vẫn là kênh phân phối thực phẩm chính ở Việt Nam.

Chợ truyền thống vẫn là kênh phân phối thực phẩm chính ở Việt Nam.

Với dân số 100 triệu người và chi tiêu tiêu dùng tăng trưởng mạnh, thị trường bán lẻ Việt Nam đã mở rộng với tốc độ hơn 10%/năm trong thập kỷ qua, đạt 4,2 triệu tỷ đồng vào năm 2022.

Nhưng so với tốc độ tăng trưởng nhanh đó, quá trình hiện đại hóa mạng lưới phân phối thực phẩm đang bị tụt lại. Các hệ thống phân phối hiện đại – với khả năng kiểm soát nhiệt độ và quản lý vệ sinh – được cho là chỉ chiếm khoảng 10% thị trường.

Tốc độ bắt kịp đặc biệt chậm ở miền Bắc và miền Trung. Tại Hà Nội, kênh phân phối chính vẫn là chợ truyền thống – nơi các quầy bán thịt và cá ngoài trời lấp đầy những con ngõ.

Ở những nước tiên tiến như Nhật Bản và Hàn Quốc, hệ thống phân phối hiện đại chiếm 80-90% thị trường. Các cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ này là 50% ở Thái Lan và 30% ở Indonesia.

Mạng lưới phân phối thực phẩm hiện đại sẽ tạo thêm không gian cho các chuỗi bán lẻ phát triển. Năm tới, một số hạn chế cản trở việc mở rộng các chuỗi cửa hàng nước ngoài dự kiến được dỡ bỏ, tạo điều kiện chính sách thuận lợi cho phân phối thực phẩm hiện đại.

Golden Resources Development International có trụ sở tại Hong Kong – vận hành các cửa hàng tiện lợi Circle K tại Việt Nam – dự định mở rộng mạng lưới khoảng 20% lên 500 địa điểm vào cuối năm tới. Chuỗi GS25 do GS Retail của Hàn Quốc điều hành đang phát triển nhanh chóng với hơn 200 cửa hàng. Ministop – có 138 cửa hàng Việt Nam vào cuối năm tài chính 2022 – đặt mục tiêu đạt 500 cửa hàng vào năm tài chính 2025.

Trong lĩnh vực siêu thị, Tập đoàn BRG của Việt Nam đang hợp tác với công ty thương mại Nhật Bản Sumitomo để đưa siêu thị FujiMart vào Hà Nội. Aeon – nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản – coi Việt Nam là thị trường nước ngoài quan trọng nhất và có kế hoạch mở trung tâm mua sắm Aeon Mall đầu tiên của miền Trung tại tỉnh Thừa Thiên Huế vào đầu năm tới.

Một thách thức là tìm ra cách thu hút người tiêu dùng khỏi các khu chợ truyền thống, nơi khách hàng có thể trò chuyện với người bán hàng và mua sắm trên xe máy.

Với chi phí làm lạnh và vận chuyển thấp hơn, các chợ truyền thống có lợi thế về giá khó cạnh tranh được. “Người tiêu dùng Việt Nam rất nhạy cảm về giá”, theo Keisuke Hitotsumatsu, Tổng giám đốc FujiMart Việt Nam.

Năng lực kỹ thuật số cũng rất quan trọng sau khi thương mại điện tử phát triển mạnh trong đại dịch Covid-19. Hoạt động mua thực phẩm tươi sống trực tuyến có thể sẽ mở rộng, biến hệ thống phân phối hiệu quả và khả năng tích hợp vật lý-kỹ thuật số trở thành chìa khóa cho các nhà bán lẻ.