VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»S&P Global: Sản xuất tại Việt Nam tăng trưởng tháng thứ năm liên tiếp

S&P Global: Sản xuất tại Việt Nam tăng trưởng tháng thứ năm liên tiếp

11:58 - 04/09/2024

Chỉ số PMI sản xuất tại Việt Nam đạt trên 50 điểm liên tục kể từ tháng 4. Dù PMI tháng 8 thấp hơn so với tháng 7, nhưng vẫn báo hiệu sự cải thiện vững chắc về điều kiện kinh doanh.

Hoạt động sản xuất tại Việt Nam tiếp tục mở rộng trong tháng 8, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ năm liên tiếp, nhưng với tốc độ chậm hơn, theo S&P Global.

Chỉ số Nhà quản lý mua hàng (PMI) sản xuất tại Việt Nam đạt 52,4 trong tháng 8, giảm so với mức 54,7 trong tháng 7 nhưng vẫn báo hiệu sự cải thiện vững chắc về điều kiện kinh doanh.

PMI sản xuất Việt Nam luôn ở trên 50 (ngưỡng không thay đổi) kể từ tháng 4 đến nay – khi chỉ số đạt 50,3 – S&P Global cho biết trong báo cáo hàng thàng về ngành sản xuất Việt Nam.

PMI sản xuất Việt Nam đạt 52,4 trong tháng 8. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam.

PMI sản xuất Việt Nam đạt 52,4 trong tháng 8. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam.

Sự cải thiện sức khỏe của ngành sản xuất phản ánh sự gia tăng hơn nữa của sản lượng và đơn đặt hàng mới. Tốc độ tăng vẫn mạnh mặc dù đã giảm so với mức tăng đặc biệt cao trong tháng 6 và tháng 7.

Nhu cầu của khách hàng cải thiện dẫn đến sự gia tăng số đơn đặt hàng mới, khiến các công ty tăng sản lượng tương ứng. Số đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng trong tháng thứ năm liên tiếp.

Chi phí đầu vào và giá bán tiếp tục tăng, nhưng tỷ lệ lạm phát đã chậm lại đáng kể từ tháng 7 xuống mức yếu nhất trong bốn tháng.

Sự gia tăng mạnh số đơn đặt hàng mới và áp lực chi phí nhẹ hơn thúc đẩy các nhà sản xuất tăng mạnh hoạt động mua hàng trong tháng 8. Tốc độ tăng trưởng nhanh hơn trong tháng thứ tư liên tiếp lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2022.

Trái ngược với bức tranh về hoạt động mua hàng, các nhà sản xuất ghi nhận việc làm giảm lần đầu tiên trong ba tháng, trong bối cảnh một số người lao động bỏ việc và chấm dứt một số hợp đồng tạm thời.

Các nhà sản xuất vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới, dựa trên kỳ vọng nhu cầu của khách hàng và số đơn đặt hàng mới sẽ cải thiện hơn nữa. Tuy nhiên, tâm lý đã giảm trong tháng thứ hai liên tiếp và ở mức thấp nhất kể từ tháng 1.

“Đúng như dự đoán, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã ghi nhận ​​sự chậm lại trong tăng trưởng sản lượng và đơn đặt hàng mới từ mức đặc biệt cao trong tháng 6 và tháng 7. Những mức tăng đó chắc chắn khó duy trì và tốc độ mở rộng vẫn đáng kể, vì vậy, không có nhiều lý do để lo ngại về mặt này”, Andrew Harker, giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nhận xét.

“Tin tức tốt hơn về mặt lạm phát, với cả chi phí đầu vào và giá đầu ra đều tăng ở mức yếu hơn nhiều trong tháng 8. Trên thực tế, điều này được xem là một yếu tố góp phần vào tăng trưởng số đơn đặt hàng mới bền vững”, ông nói thêm.