VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Starbucks: Giá thuê mặt bằng ở Việt Nam không giảm

Starbucks: Giá thuê mặt bằng ở Việt Nam không giảm

13:58 - 05/01/2022

Theo CEO Starbucks Việt Nam, giá thuê mặt bằng ở các thị trường trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Hong Kong, Campuchia giảm 10-20% nhưng ở Việt Nam thì còn đắt hơn năm 2019.

Bà Patricia Marques, CEO Starbucks Việt Nam cho biết, tính đến tuần đầu tiên của tháng 1/2022, chuỗi cửa hàng cà phê này đã mở 77 cửa hàng tại Việt Nam. Trong đó có 6 cửa hàng được khai trương ngay sau thời gian giãn cách xã hội, gồm 3 điểm ở Hà Nội, 2 ở TP HCM và 1 ở Bình Dương.

Năm vừa qua là một năm rất khó khăn đối với ngành nhà hàng ăn uống (F&B) nói chung và Starbucks Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, theo Starbucks, sự yêu thích và đóng nhận của người tiêu dùng Việt Nam đối với đồ uống của chuỗi cửa hàng đến từ Mỹ ngày càng được khẳng định trong thời kỳ đại dịch.

Starbucks hiện có 77 cửa hàng tại Việt Nam.

Starbucks hiện có 77 cửa hàng tại Việt Nam.

Khó khăn hiện tại mà công ty gặp phải sau đại dịch là giá thuê mặt bằng không hề giảm. Ngay cả những mặt bằng ở trung tâm quận 1, TP HCM có giảm thì mức giảm không đáng kể, vẫn còn rất đắt đỏ.

“Cơ hội để thương lượng giảm giá mặt bằng không xảy ra ở Việt Nam, mức giảm cao nhất nếu có cũng chỉ khoảng 3%. Hiện nay, chúng tôi vẫn duy trì kế hoạch mở rộng mặt bằng nhưng với giá thuê chấp nhận được thì mới ký, không bất chấp để có những vị trí ngay ngã tư, hay khu vực trung tâm”, đại diện Starbucks Việt Nam cho biết.

Bà Marques cho biết, giá thuê mặt bằng ở Việt Nam không những không giảm trong thời kỳ đại dịch mà còn đắt hơn năm 2019. So sánh với các nước trong khu vực, bà cho biết giá thuê mặt bằng ở Singapore giảm 30% ngay từ khi đại dịch xuất hiện; còn ở Thái Lan, Hong Kong, Campuchia …, mức giảm cũng lên đến 10%.

Theo Starbucks, chuỗi không có chiến lược tăng giá đồ uống để cân đối lại giá thuê mặt bằng. Nhằm giảm bớt áp lực giá mặt bằng khu trung tâm, Starbucks Việt Nam bắt đầu mở thêm ở các khu vực lân cận và phát triển các cửa hàng với diện tích nhỏ. Đến nay, theo công ty, mô hình này đã phát huy hiệu quả khi người tiêu dùng có xu hướng uống cà phê gần nhà thay vì vào trung tâm thành phố và sử dụng dịch vụ mang đi.

Cũng từ đại dịch, chuỗi đã nhận thấy cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ từ phân khúc trực tuyến, bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử và sự gia tăng của thanh toán không dùng tiền mặt.

“Mảng trực tuyến đã giúp chúng tôi giữ được thị phần và sự tăng trưởng của nó là tự đến, không cần phải nỗ lực nhiều”, đại diện Starbucks Việt Nam cho biết.