VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Startup Việt nỗ lực vượt khó thời dịch

Startup Việt nỗ lực vượt khó thời dịch

15:05 - 14/04/2021

Con số doanh nghiệp Việt Nam giải thể, tạm ngừng hoạt động ghi nhận ở mức kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến hầu hết doanh nghiệp (DN) lao đao, đặc biệt là những công ty còn non trẻ. Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh khó khăn này, nhiều startup nhanh nhạy biến hóa để thích nghi với tình hình mới, biến “nguy” thành “cơ”.

Đại dịch Covid-19 khiến hầu hết doanh nghiệp startup lao đao.

Khó khăn chồng khó khăn

Nền kinh tế toàn cầu đang phải chống chọi với cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Làn sóng phá sản DN đang diễn ra mạnh mẽ. Con số DN Việt Nam giải thể, tạm ngừng hoạt động ghi nhận ở mức kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, năm 2020, cả nước có 101,7 nghìn DN tạm dừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước. Việc DN buộc tạm dừng, chờ phá sản, hoàn tất thủ tục giải thể tăng trong thời điểm hiện nay phản ánh sự khó khăn của điều kiện sản xuất, kinh doanh do tác động của đại dịch Covid-19.

Đối với các DN sản xuất, việc thiếu nguyên liệu đầu vào và bị đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu là một thách thức lớn. Cùng với đó, sức mua của thị trường giảm sút khá mạnh vì người tiêu dùng chỉ mua sắm những thứ thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày. Nhiều DN và startup trong các lĩnh vực dịch vụ lưu trú, dịch vụ gắn với khách nước ngoài như vận chuyển, tổ chức tour trải nghiệm hay cung cấp các dịch vụ cho hoạt động hội họp, đào tạo… đối mặt với tình trạng không có doanh thu kéo dài.

Dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài với nhiều diễn biến phức tạp khó đoán trước. Vì vậy, DN phải đặt mình vào tình huống sống chung với dịch và suy nghĩ xem mình phải làm gì ngay bây giờ. Việc tối ưu chi phí hoạt động là điều kiện rất quan trọng, giúp hạn chế nhiều rủi ro cho DN.
Các startup cũng có thể học hỏi mô hình của các nước phương Tây là sử dụng dịch vụ thuê ngoài để chủ động về chi phí, tiết giảm chi phí dành cho nhân sự như dịch vụ kế toán, dịch vụ thành lập công ty, dịch vụ marketing online…

Biến “nguy” thành “cơ”

Mặc dù, năm 2020 lượng vốn đầu tư vào DN khởi nghiệp ở Việt Nam chỉ đạt khoảng hơn 200 triệu USD. Tuy vậy, trong bức tranh chung của cộng đồng startup của Việt Nam vẫn có những điểm sáng đáng lưu ý. Nhiều DN startup của Việt Nam đã nằm trong tốp đầu, đồng hành cùng với các DN nước ngoài khi cung cấp được các dịch vụ giao thông vận tải, thương mại điện tử cũng như tạo các không gian làm việc chung.

Cộng đồng doanh nghiệp startup cần đổi mới sáng tạo để biến “nguy” thành “cơ”.

Theo Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa TP Hà Nội Lê Văn Quân, bản thân những startup non trẻ vốn đã gặp nhiều khó khăn trong việc tạo nguồn thu, nay lại càng khó khăn hơn trong việc cân đối giữa nguồn thu và chi. Nhưng nếu startup chọn chế độ “ngủ đông” hoặc đứng im đợi khủng hoảng kết thúc thì cơ hội cũng mất và nguồn lực cũng cạn. “Covid-19 giống như một phép thử lớn với các DN. Trên thực tế đã chứng minh, DN nào càng linh hoạt về mô hình kinh doanh, càng đa dạng về sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt là chủ động chuyển đổi số sớm thì càng đứng vững và vượt qua đại dịch” – ông Lê Văn Quân chia sẻ.

Hiểu được những khó khăn đó của DN, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh triển khai nhiều dự án, chương trình để đón bắt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp mới, tạo sân chơi, thị trường cho cộng đồng startup lớn mạnh. Từ phát triển hạ tầng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin đến mục tiêu mỗi người dân đều có điện thoại thông minh bằng cách phát huy sức mạnh của DN và cộng đồng để cung cấp điện thoại thông minh giá rẻ. Gần đây, nhiều nền tảng y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch, nhân đạo… đã ra đời.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 sẽ làm cho thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử tăng đột biến nhưng ở Việt Nam vẫn chưa được như kỳ vọng. Chính vì thế, Việt Nam cần huy động sức mạnh của cộng đồng để tạo ra những nền tảng, hệ sinh thái, dữ liệu lớn để sau này cộng đồng, trong đó có các DN startup tìm thấy cơ hội kinh doanh của mình. Các DN startup trong nước cũng cần tự tin hơn từ những bài học, kinh nghiệm, cách làm của mình để bước ra thế giới. Tới đây, khi Chính phủ triển khai chương trình chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước, DN và toàn xã hội, chắc chắn sẽ tạo ra xung lực mới cho cộng đồng DN startup.

Và với tất cả các DN, đặc biệt là cộng đồng DN startup hơn lúc nào hết cần nắm chặt tay nhau tạo thành mạng lưới, bằng sự kết nối không phân biệt trong nước hay nước ngoài, giữa DN theo mô hình truyền thống hay startup đổi mới sáng tạo, thì cộng đồng startup sẽ có những bước tiến lớn hơn, tạo ra những xung lực mới, cùng nhau đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, góp phần vào phát triển trong khu vực, giải quyết những vấn đề chung của nhân loại.