VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Sửa Luật Quản lý thuế phù hợp với thương mại trên nền tảng số

Sửa Luật Quản lý thuế phù hợp với thương mại trên nền tảng số

23:37 - 02/09/2024

Thương mại trên nền tảng số (digital commerce) là việc thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa và dịch vụ thông qua các nền tảng trực tuyến, bao gồm website, ứng dụng di động và các mạng xã hội. Thương mại này không chỉ bao gồm giao dịch tài chính mà còn bao gồm tất cả các khía cạnh liên quan đến việc tiếp thị, quảng bá, phân phối và cung cấp dịch vụ khách hàng trực tuyến.

Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, nhiều quy định liên quan đến hoạt động quản lý thuế, nhất là một số lĩnh vực như thương mại điện tử hay kinh doanh dựa trên nền tảng số chưa phù hợp. Phạm vi quản lý thuế ngày càng phức tạp, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi một số điều của các luật thuộc lĩnh vực quản lý của Luật Quản lý thuế.

Theo đó, thể chế quản lý thuế vẫn còn một số vấn đề chưa đáp ứng kịp yêu cầu thực tiễn, thiếu tính đồng bộ và vẫn còn phức tạp. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, tội phạm trong lĩnh vực thuế ngày càng trở nên phức tạp, tinh vi và diễn ra trên quy mô rộng, nhất là trong các lĩnh vực hoàn thuế, hóa đơn và thương mại điện tử.

Nguồn tin trên Vnexpress cho biết, theo thông tin từ Tổng cục Thuế, hiện cả nước có 3,1 triệu hộ, cá nhân kinh doanh, trong đó tỷ lệ không nhỏ người bán online chưa đăng ký, kê khai và nộp thuế. Để siết quản lý, một trong những giải pháp được ngành thuế thực hiện là kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ ngành. Bên cạnh đó, cơ quan này ghi nhận trên 663.000 lượt kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an. Họ cũng chia sẻ thông tin với Bộ Công Thương về 929 sàn thương mại điện tử, đối chiếu dữ liệu của 53.000 người kinh doanh từ 383 sàn, trong đó có nhiều sàn chiếm thị phần lớn như Shopee, Lazada, Sendo, TikTok Shop, Voso, Tiki…

TikTok Shop và Shopee là 2 sàn thương mại điện tử được ưa chuộng tại Việt Nam

Tại Hà Nội, tỷ lệ rà soát khớp nối thông tin căn cước công dân và mã số thuế đạt hơn 99,8%. Qua đó, cơ quan thuế định danh được hàng trăm chủ sàn thương mại điện tử, hàng nghìn cá nhân kinh doanh qua mạng. Số thu 6 tháng trong lĩnh vực thương mại điện tử của Thủ đô đạt trên 10.000 tỷ đồng, trong đó thuế cá nhân (gồm livestream) tăng 79%.

Chỉ tính riêng nửa đầu năm nay, có gần 43.000 người bán hàng online thuộc diện rà soát đã khai, nộp thuế 9.980 tỷ đồng, gấp trên 2,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong bối cảnh thương mại điện tử, từ giao dịch trên các sàn tới kinh doanh trực tuyến, livestream đều phát triển bùng nổ, việc tăng cường quản lý thuế với các lĩnh vực này là cần thiết. Chưa kể đến ngành Thuế không có chức năng điều tra, nên không thể kịp thời xử lý triệt để các trường hợp trốn thuế tinh vi. Hơn nữa, pháp luật về quản lý thuế chưa quy định rõ trách nhiệm của công chức trong lĩnh vực này, gây ảnh hưởng đến tâm lý của những người thực hiện nhiệm vụ, điển hình là trong công tác hoàn thuế.

Vì thế, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm hoàn thiện quy định pháp luật.

Nguồn tin trên Tạp chí của Tổng cục Hải quan cho biết, dự thảo sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 42 về khai thuế, tính thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số; đồng thời sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 90 về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử.

Theo cơ quan soạn thảo, khái niệm về “cơ sở thường trú” hiện nay chỉ có tại quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và trong việc áp dụng hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong khi đó, Khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế quy định: “Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính” đã khiến một số nhà cung cấp ở nước ngoài hiểu nhầm rằng trường hợp họ có hình thành cơ sở thường trú tại Việt Nam thì không thuộc đối tượng phải đăng ký thuế, kê khai nộp thuế mà chỉ thuộc đối tượng nộp thuế TNDN trên phần lợi nhuận phân bổ cho cơ sở thường trú theo quy định của pháp luật thuế TNDN và Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần. Vì vậy, để đảm bảo công bằng giữa các đối tượng nộp thuế, bao quát đầy đủ nguồn thu đối với hoạt động này, cần bỏ cụm từ “Không có cơ sở thường trú tại Việt Nam”.

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng cho biết, đối với mô hình kinh doanh TMĐT thông qua sàn, Luật hiện hành mới chỉ quy định sàn trong nước có trách nhiệm cung cấp thông tin của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong khi thực tế cho thấy, thông tin sàn cung cấp còn chưa đầy đủ và chưa sát thực tế phát sinh.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề xuất cần bổ sung quy định về các trường hợp khai thuế thay, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có phát sinh hoạt động kinh doanh TMĐT và việc trực tiếp khai thuế để cải cách thủ tục hành chính, tập trung đầu mối, đáp ứng việc kê khai, nộp thuế phù hợp với đặc thù của hoạt động kinh doanh TMĐT, đồng thời mở rộng nguồn thu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo: https://vnexpress.net/gan-43-000-nguoi-ban-hang-online-bi-kiem-tra-khai-nop-thue-4767886.html

https://haiquanonline.com.vn/sua-luat-quan-ly-thue-phu-hop-voi-thuong-mai-tren-nen-tang-so-189365.html