VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Sức cầu tiêu dùng đang nóng trở lại

Sức cầu tiêu dùng đang nóng trở lại

13:43 - 05/09/2024

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 7 tháng đầu năm 2024 đã tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, thị trường bán lẻ và dịch vụ của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng 10% trong năm ngoái, đạt 6,23 nghìn tỷ đồng. Dự báo, chi tiêu của người tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng gần 8% mỗi năm.

Đây là một tín hiệu tích cực với tiêu dùng Việt Nam, bởi thời điểm covid-19, ngành bán lẻ Việt Nam trầm lắng vì ảnh hưởng bởi các hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng. Giai đoạn kinh tế hồi phục sau Covid-19, ngành bán lẻ đã có dấu hiệu phục hồi trở lại. Có thể thấy, thực trạng thị trường bán lẻ Việt Nam đã và đang có sự thay đổi tích cực.

Theo đó, báo cáo Tình hình kinh tế – xã hội năm 2022 của Tổng cục Thống kê, ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm 2021 do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Trong đó, ngành bán lẻ tăng cao (10,15%), đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị toàn nền kinh tế. Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 15% so với năm 2019 – năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, riêng 5 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước ước đạt 2.527,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tất cả các con số này đã chứng minh sức cầu tiêu dùng của Việt Nam đang nóng trở lại.

Thị trường bán lẻ Việt Nam đã và đang có sự thay đổi tích cực.

Sức cầu tiêu dùng là khái niệm kinh tế dùng để chỉ khả năng và ý muốn của người tiêu dùng trong việc mua hàng hóa và dịch vụ ở một mức giá nhất định trong một khoảng thời gian cụ thể. Trong đại dịch Covid 19, sức cầu tiêu dùng của người dân đã giảm. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị mới nhằm kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường nội địa.

Thủ tướng nhấn mạnh cần khơi thông thị trường trong nước, đồng thời đưa ra các chính sách khuyến khích tiêu dùng và đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh, còn năng lực sản xuất và thị trường trong nước có nhu cầu.

Ngoài ra, tác động tích cực từ việc tăng lương, cùng với nhiều chương trình khuyến mãi như giảm giá, tặng quà, giảm thuế VAT… cũng tạo động lực mạnh mẽ giúp cầu tiêu dùng tăng trở lại.

Đặc biệt, trong dịp lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, nhiều hệ thống bán lẻ và doanh nghiệp sản xuất đã triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi, tặng quà, từ đó ghi nhận mức tăng trưởng doanh số ấn tượng.

Chia sẻ trên tạp chí Vnbusines, đại diện siêu thị Big C Thăng Long cho biết, doanh số bán hàng trong dịp lễ 2/9 đạt mức tương đương với các dịp cuối tuần, đặc biệt doanh thu từ mặt hàng bánh trung thu và trái cây nhập khẩu tăng mạnh. Doanh thu từ bánh trung thu handmade của Big C tăng 38% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, đại diện chuỗi bán lẻ WinCommerce chia sẻ rằng, dù chưa có con số thống kê chính xác, nhưng ước tính lượng khách đến mua sắm tại các cửa hàng WinMart/WinMart+/WiN trong kỳ nghỉ lễ tăng khoảng 10% so với ngày thường. Các mặt hàng được người tiêu dùng ưu tiên mua sắm trong dịp này bao gồm nhu yếu phẩm, trái cây, bánh kẹo, đồ uống và thực phẩm đông lạnh.

Theo Tổng giám đốc điều hành WinCommerce Nguyễn Thị Phương, lợi nhuận ròng của tập đoàn trong nửa đầu năm nay đã tăng 64%, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ trong mảng kinh doanh thực phẩm và bán lẻ.

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, bắt đầu từ thời điểm này, ngoài chủ động nguyên liệu đầu vào, tiết giảm mọi chi phí để giữ giá tốt, các doanh nghiệp sản xuất đã nghiên cứu thị hiếu của khách hàng để cho ra mắt những sản phẩm phù hợp vào mùa mua sắm cuối năm.

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 7 tháng đầu năm 2024 đã tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, sức cầu tiêu dùng tăng còn có tác động mạnh mẽ đến người tiêu dùng Việt Nam. Khi sức cầu tăng, người tiêu dùng sẽ cảm nhận rõ rệt sự phong phú của hàng hóa và dịch vụ trên thị trường, từ đó người tiêu dùng không chỉ có nhiều lựa chọn hơn mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm, khi các doanh nghiệp phải cạnh tranh để thu hút khách hàng. Hơn nữa, khi sức cầu tăng, thu nhập của người lao động thường cũng được cải thiện, nhờ vào việc tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới và tăng lương trong các doanh nghiệp. Điều này dẫn đến khả năng chi tiêu cao hơn, giúp người tiêu dùng cải thiện chất lượng cuộc sống, từ việc đầu tư vào giáo dục, sức khỏe cho đến việc hưởng thụ các dịch vụ giải trí và du lịch.

Bộ Công Thương cũng nhận định, việc tăng lương cơ sở gần đây đã cải thiện đời sống người lao động, giúp tăng sức mua và tiêu dùng nội địa, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo: https://vnbusiness.vn/viet-nam/suc-cau-tieu-dung-dang-nong-tro-lai-1102101.html