VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Sức mua giảm khiến lợi nhuận quý II của Sabeco lao dốc

Sức mua giảm khiến lợi nhuận quý II của Sabeco lao dốc

11:51 - 27/07/2023

Lợi nhuận sau thuế quý II của Sabeco giảm 30% so với cùng kỳ vì sức mua suy giảm khi nền kinh tế tăng trưởng chậm, sự cạnh tranh của các thương hiệu quốc tế, Nghị định 100 và chi phí tăng.

Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ghi nhận kết quả kinh doanh quý II sa sút so với cùng kỳ năm ngoái do tác động của sức mua suy giảm khi nền kinh tế tăng trưởng chậm.

Trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6, Sabeco có doanh thu thuần hơn 8.312 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 2.487 tỷ đồng, lần lượt giảm 8% và 19% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp theo đó thu hẹp từ 34% xuống 30%.

Trong quý gần nhất, hoạt động tài chính trở thành điểm sáng khi mang về hơn 354 tỷ đồng, tăng 40%, chủ yếu từ lãi tiền gửi ngân hàng. Trong khi đó, chi phí tài chính mà chủ yếu là chi phí lãi vay chỉ hơn 17 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí bán hàng và chi phí quản lý đồng loạt tăng mạnh, lần lượt đạt 1.167 tỷ đồng (tăng 15%) và 200 tỷ đồng (tăng 21%), ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận.

Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, tổng công ty lãi ròng hơn 1.159 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ.

Doanh thu và lợi nhuận giảm sâu so với cùng kỳ nhưng có cải thiện so với 3 tháng đầu năm nay – khi kết quả kinh doanh của nhà sản xuất bia Sài Gòn xuống thấp nhất kể từ quý III/2020.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của ông lớn ngành bia đạt hơn 14.500 tỷ đồng, lãi ròng hơn 2.100 tỷ đồng, giảm lần lượt 11% và 25% so với cùng kỳ. Kết quả này mới chỉ giúp Sabeco hoàn thành 36% kế hoạch doanh thu và 37% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Lý giải cho sự lao dốc này, nhà sản xuất bia Sài Gòn cho biết phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các thương hiệu bia quốc tế trong nửa đầu năm, cùng với đó là sự chậm lại của nền kinh tế trong nước và Nghị định 100 tiếp tục ảnh hưởng đến nhu cầu. Trong khi đó, chi phí đầu vào, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cao hơn bào mòn lợi nhuận.

Mức giảm mạnh cũng một phần do cùng kỳ năm ngoái là giai đoạn tiêu dùng bủng nổ sau đại dịch, giúp Sabeco đạt lợi nhuận kỷ lục trong quý II/2022.

Cùng với kết quả kinh doanh không khả quan, giá cổ phiếu SAB cũng chạm đáy trong hơn 1 năm vào ngày 11/7 ở mức 150.000 đồng. Giá đã phục hồi về mức 161.100 đồng khi kết thúc phiên 26/7 nhưng vẫn kém xa mức hơn 190.000 đồng hỗi giữa tháng 3. Từ đầu năm, cổ phiếu của Sabeco đã giảm hơn 6% trong khi VN-Index tăng hơn 19%.

Về tình hình tài chính, Sabeco đang nắm giữ rất nhiều tiền mặt. Tính đến ngày 30/6, tổng công ty có gần 22.400 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn, chiếm hơn 67% tổng tài sản hơn 33.600 tỷ đồng.

Với tiềm lực tài chính như vậy, HĐQT Sabeco thông qua việc triển khai phương án phát hành gần 641,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Tỷ lệ thực hiện là 1:1 (1 cổ phiếu hiện tại nhận được 1 cổ phiếu mới). Nếu đợt phát hành thành công, vốn điều lệ của Sabeco sẽ tăng từ gần 6.413 tỷ đồng lên gần 12.826 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên tổng công ty này tăng vốn kể từ khi lên sàn vào năm 2016.