VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Tài sản của ông Lê Thanh Thản

Tài sản của ông Lê Thanh Thản

08:01 - 06/04/2021

Trong giới bất động sản, ông Lê Thanh Thản được biết đến với nhiều biệt danh như đại gia điếu cày, ông trùm nhà giá rẻ.

Ông Thản xuất thân Nghệ An, khởi nghiệp từ tỉnh miền núi Lai Châu, lập nghiệp bằng nghề đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở miền núi (công ty tư nhân đầu tiên thành lập năm 1987), sau đó vươn sang Lào. Ông Thản gặt hái được nhiều thành công khi đánh trúng vào phân khúc nhà thương mại trung bình, giá rẻ và nhu cầu thực cao, kết hợp với hệ thống khách sạn Mường Thanh được mệnh danh là chuỗi khách sạn lớn nhất Đông Nam Á.

Ông Lê Thanh Thản.

Các dự án mà ông Thản đang nắm giữ tập trung vào ba mảng chính là khách sạn, chung cư và khu vui chơi giải trí.

Về khách sạn, năm 1993, ông xây khách sạn Mường Thanh đầu tiên ở Điện Biên, sau đó xây tại Linh Đàm, Hà Nội. Đến nay, chuỗi khách sạn này đã có 60 đơn vị thành viên, phủ sóng khắp các địa phương tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á, chia làm 4 phân khúc gồm Mường Thanh Luxury, Mường Thanh Grand, Mường Thanh Holiday và Mường Thanh.

Ngoài ra, tại công ty du lịch dầu khí Phương Đông (PDC), ông Thản và thành viên liên quan nắm giữ tổng cộng hơn 7 triệu cổ phiếu PDC, tương ứng tỷ lệ sở hữu 46,71% tổng số cổ phần của công ty.

Về nhà chung cư giá rẻ, không thể không nhắc đến các dự án như HH Linh Đàm, Kim Văn Kim Lũ, Thanh Hà Cienco 5, chung cư Đại Thanh, chung cư Xa La… Doanh nghiệp này liên tục mở bán các dự án với già từ 10-15 triệu đồng/m2. Song trên thực tế, để mua một căn hộ, khách hàng thường phải chịu thêm giá chênh từ 2-5 triệu đồng mỗi m2, tùy từng căn.

Các dịch vụ giáo dục, sức khỏe và vui chơi giải trí của Mường Thanh phải kể đến các thương hiệu như thương hiệu như Mường Thanh Safari Diễn Lâm (vườn thú lớn nhất miền Bắc), VRC (trung tâm giải trí đa chức năng), Fitness Plus (trung tâm Finess & Yoga 5 sao), DreamKid (khu vui chơi học tập dành cho trẻ em), Hoa Ban Gift Shop (chuỗi cửa hàng lưu niệm cao cấp)…

Công viên nước lớn nhất Hà Nội của Mường Thanh mang tên công viên nước Thanh Hà được công ty phát triển địa ốc Cienco 5 xây dựng trên lô đất A2.2 CCĐT01 thuộc khu đô thị Thanh Hà – Cienco 5, phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội được kỳ vọng sẽ là một trong những điểm vui chơi hàng đầu Hà Nội. Tuy nhiên, ngay khi mở cửa, tại công viên này xảy ra vụ chết đuối của bé trai đến vui chơi, cho thấy những dấu hiệu mất an toàn.

Hoạt động được 6 tháng nhưng đến tháng 12/2019, UBND quận Hà Đông ban hành quyết định 5079 cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả đối với công ty Cienco 5 (công ty con do tập đoàn Mường Thanh sở hữu hơn 95% cổ phần), chủ đầu tư công viên nước Thanh Hà, vì xây dựng công trình không phép.

Lực lượng liên ngành quận Hà Đông, Hà Nội gồm công an, tư pháp, quản lý đô thị, và đội quản lý trật tự xây dựng đang tiến hành cưỡng chế, phá dỡ công viên nước Thanh Hà. Hiện tại, khu công viên nước lớn nhất Hà Nội này chỉ là bãi đất ngổn ngang, hoang tàn sau khi bị phá dỡ.

Hầu hết khách sạn Mường Thanh thuộc quyền sở hữu của hai công ty lớn của ông Thản là công ty cổ phần tập đoàn Mường Thanh và doanh nghiệp tư nhân xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên (xây dựng số 1). Tuy nhiên do nhiều khách sạn mới đưa vào vận hành, khai thác trong vài năm trở lại đây, kết quả kinh doanh không mấy tích cực với những khoản thua lỗ cả trăm tỷ đồng, theo các số liệu tài chính đến năm 2016.

Công ty cổ phần tập đoàn Mường Thanh là đơn vị quản lý các chuỗi khách sạn Mường Thanh mới và cao cấp như Mường Thanh Grand Nha Trang, Mường Thanh Hà Nội Centre, Mường Thanh Quy Nhơn, Mường Thanh Quảng Bình… Năm 2016 doanh thu của công ty đạt 315 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm trước đó. Doanh thu đến từ việc Mường Thanh liên tục đưa thêm các khách sạn mới đi vào hoạt động. Tuy nhiên, do tỷ suất lợi nhuận thấp và chi phí vận hành cao, công ty báo lỗ 93 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với khoản lỗ 65 tỷ đồng trong năm 2015.