VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Tăng trưởng GDP quý II ít cải thiện so với quý I

Tăng trưởng GDP quý II ít cải thiện so với quý I

11:40 - 29/06/2023

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,14% trong quý II và tăng 3,72% trong nửa đầu năm, trong bối cảnh xuất khẩu chưa có dấu hiệu cải thiện.

Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng chậm trong quý II, dù có cải thiện so với quý trước, trong bối cảnh xuất khẩu tiếp tục yếu vì nhu cầu thấp ở các thị trường lớn.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II ước tính tăng trưởng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, sau khi tăng 3,32% trong quý I. Tính chung nửa đầu năm, GDP tăng 3,72%.

Tốc độ tăng trưởng quý II và nửa đầu năm thấp thứ hai từ năm 2011 đến nay, chỉ cao hơn năm 2020 – thời điểm giãn cách xã hội cả nước vì Covid-19.

Năm ngoái, GDP của Việt Nam tăng trưởng 8,02% và mục tiêu tăng trưởng năm nay mà Chính phủ đặt ra là 6,5%. Để đạt được mục tiêu này, nền kinh tế sẽ phải tăng trưởng hơn 9% trong nửa sau của năm. Tốc độ tăng trưởng trung bình các năm trước đại dịch là khoảng 5,7%.

Tốc độ tăng trưởng quý II cao hơn dự báo trung vị 3,8% theo khảo sát của Bloomberg. Các tổ chức quốc tế gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam, ví dụ như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo từ 6,2% (hồi cuối năm 2022) xuống 5,8%.

Trong bối cảnh tăng trưởng chậm, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 4 lần giảm lãi suất điều hành từ giữa tháng 3 đến nay để kích thích nền kinh tế. Chính phủ cũng vừa thông qua một số chính sách kích cầu bao gồm giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với một số hàng hóa dịch vụ, và giảm một nửa lệ phí trước bạ từ ngày 1/7 đến hết năm nay.

Trong 3 khu vực kinh tế cơ bản, khu vực dịch vụ đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng 6 tháng đầu năm. Dịch vụ tăng trưởng 6,33% và đóng góp 78,85%. Trong đó, lĩnh vực bán buôn và bán lẻ tăng 8,49%; vận tải, kho bãi tăng 7,18%; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 7,13%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 15,14%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 10,9% trong nửa đầu năm nay – tốc độ khá tốt trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, doanh thu bán lẻ đang có dấu hiệu chậm lại khi chỉ tăng 6,5% trong tháng 6.

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng chậm nhất với tốc độ chỉ 1,13% – thể hiện sự yếu kém của ngành sản xuất vì xuất khẩu thấp, cũng như khó khăn của ngành xây dựng vì thị trường bất động sản đóng băng.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình xuất khẩu chưa ghi nhận bất kỳ dấu hiệu cải thiện nào, với kim ngạch tháng 6 giảm 10,8% so với cùng kỳ.

Nhu cầu xuất khẩu yếu khiến sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm. Trong nửa đầu năm, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chỉ tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,37%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản – chiếm tỷ trọng thấp nhất về quy mô trong 3 khu vực – tăng trưởng 3,07% trong nửa đầu năm.

Trong bối cảnh kinh tế chậm lại, tình hình đăng ký doanh nghiệp cũng có diễn biến tiêu cực. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2023 giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước, vốn đăng ký giảm 19,8% và số lao động đăng ký giảm 1%. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng 18,2%, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tăng 28,9% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng 2,8%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 2,41% so với cùng kỳ năm trước – tháng thứ 5 liên tiếp lạm phát giảm. CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với cùng kỳ.

Số khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm ước đạt gần 5,6 triệu lượt, gấp 9,3 lần cùng kỳ năm trước nhưng chỉ bằng 65,7% so với cùng kỳ năm 2019. Chính phủ cũng vừa tăng thời hạn thị thực điện tử từ 30 lên 90 ngày để thúc đẩy du lịch.