VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Tập đoàn Keppel đầu tư vào Việt Nam theo chiến lược “Trung Quốc +1”

Tập đoàn Keppel đầu tư vào Việt Nam theo chiến lược “Trung Quốc +1”

11:14 - 10/03/2023

Tập đoàn đến từ Singapore muốn đầu tư vào các lĩnh vực phát triển đô thị, chuyển đổi năng lượng và trung tâm dữ liệu ở Việt Nam.

Tập đoàn Keppel của Singapore đang khai thác các thị trường mới nổi như Việt Nam để tăng trưởng, theo chiến lược “Trung Quốc +1”, CEO Loh Chin Hua cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia. Đây là chiến lược nhằm đa dạng hóa đầu tư ra ngoài Trung Quốc để giảm rủi ro.

Nhu cầu đa dạng hóa tăng lên khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Điều này càng tăng tốc trong đại dịch Covid-19, vì chính sách phong tỏa hà khắc của Trung Quốc cản trở sản xuất và khiến các nhà đầu tư phải suy nghĩ lại về mức độ phụ thuộc quá nhiều vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Có rất nhiều hoạt động, sản xuất, mà một số công ty đa quốc gia – đặc biệt là các công ty công nghệ – đã bắt đầu vào Việt Nam, coi Việt Nam là một cơ sở sản xuất khả thi”, ông Loh nói. “Chúng tôi dự đoán rằng chúng tôi đang có vị trí rất tốt để … đầu tư nhiều hơn nữa vào đất nước đó”.

Keppel Land đầu tư vào dự án khu đô thị Mailand Hanoi City.

Keppel Land đầu tư vào dự án khu đô thị Mailand Hanoi City.

Năm ngoái, đơn vị Keppel Land của tập đoàn thông báo rằng công ty con Keppel Land Vietnam Properties ký một thỏa thuận với Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long và đơn vị Liên doanh Phát triển Đô thị Mới An Khánh để mua 49% cổ phần trong 3 lô đất dân cư.

Nằm ở Hà Nội, những lô đất được mua với giá 159,7 triệu dollar Singapore (118 triệu USD). Keppel và đối tác có kế hoạch phát triển khoảng 1.260 đơn vị nhà ở bao gồm hơn 1.000 căn hộ chung cư và hơn 200 căn thấp tầng với giá khoảng 680 triệu dollar Singapore.

Đây là một phần của Mailand Hanoi City – một dự án đang trong quá trình xây dựng, bao gồm các khu dân cư, khu phức hợp, trường học và bệnh viện. Keppel Land có quyền chào mua đầu tiên cho các giai đoạn sau của dự án.

“Ngoài bất động sản, chúng tôi cũng nhận thấy rất nhiều cơ hội ở Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng”, ông Loh nói. “Chúng tôi cũng đang xem xét các khả năng kinh doanh biến chất thải thành năng lượng tại Việt Nam và tất nhiên là cả các trung tâm dữ liệu, lĩnh vực mà tập đoàn khá mạnh”.

Keppel có một đơn vị kinh doanh trung tâm dữ liệu, phát triển và quản lý các cơ sở trên khắp Indonesia, Malaysia, Trung Quốc và những thị trường khác.

Tập đoàn này được một số người coi là doanh nghiệp đã góp phần quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng của Singapore sau khi nước này trở thành quốc gia có chủ quyền vào năm 1965.

Giống như các công ty khác của Singapore, Keppel đã vượt qua những khó khăn trong suốt lịch sử của mình. Công ty từng là một trong những nhà chế tạo giàn khoan dầu ngoài khơi lớn nhất thế giới nhưng gặp thách thức do xu hướng chuyển đổi toàn cầu từ dầu khí sang năng lượng sạch hơn. Năm nay, Keppel thoái vốn khỏi mảng kinh doanh này để tập trung vào những lính vực khác như trung tâm dữ liệu và phát triểu đô thị.

Ngoài Việt Nam, tập đoàn đang tìm kiếm những tài sản mới ở các thị trường khác trong ASEAN. “Các nước như Indonesia, Thái Lan [và] Malaysia cũng hưởng lợi tương tự từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng và họ cũng hưởng lợi từ sự giàu có ngày càng tăng, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng”, ông Loh nói. “Có những cơ hội tốt để đầu tư và kinh doanh, chắc chắn là ở thị trường ASEAN.”