VNReport»Kinh tế»Tài chính»Techcombank đạt lợi nhuận hơn một tỷ USD

Techcombank đạt lợi nhuận hơn một tỷ USD

09:24 - 25/01/2022

Techcombank ghi nhận lợi nhuận kỷ lục, trở thành ngân hàng thứ hai ở Việt Nam đạt lợi nhuận tỷ USD trong một năm.

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2021 với mức lợi nhuận cao kỷ lục là 23.238 tỷ đồng (1,02 tỷ USD), tăng 47% so với năm trước. Theo đó, Techcombank trở thành ngân hàng thương mại thứ hai ở Việt Nam cán mốc lợi nhuận 1 tỷ USD trong một năm, sau Vietcombank.

Trong năm qua, ngân hàng này ghi nhận 37.100 tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động, tăng 35% so với năm trước. Trong đó, thu nhập từ hoạt động cho vay hơn 26.700 tỷ đồng, tăng 42%, với biên lãi thuần (NIM) đạt 5,6% – cải thiện so với mức 4,6% của năm trước.

Bên cạnh nguồn thu chính này, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của Techcombank cũng tăng 42% trong năm gần nhất, đạt 7.800 tỷ đồng. Trong đó, phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất với 3.600 tỷ đồng, tăng gần 33%. Tương tự, tiền thu từ phí phân phối trái phiếu cũng tăng 57% trong năm nay, phí dịch vụ khác tăng 67%. Ngoài ra, thu nhập từ phí dịch vụ bảo hiểm tại ngân hàng này tiếp tục ghi nhận mức tăng hơn 88% trong năm 2021, mang về 1.600 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, chi phí hoạt động năm qua của Techcombank tăng gần 25% lên 11.200 tỷ đồng và chi phí dự phòng là 2.700 tỷ đồng. So với năm 2020, chi phí dự phòng này cao hơn 2% do ngân hàng chủ động trích lập đầy đủ dự phòng cho các khoản vay tái cơ cấu vào cuối năm 2021 thay vì phân bổ trong 3 năm với yêu cầu tối thiểu là 30% cho năm đầu.

Đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Techcombank ước đạt 568.800 tỷ đồng, tăng 29,4% so với năm 2020. Trong đó, tổng dư nợ tín dụng của khách hàng là 388.300 tỷ đồng, tăng 22,1%, tương đương với hạn mức do Ngân hàng Nhà nước cấp. Nguyên nhân chính khiến dư nợ tín dụng tăng cao là cho vay khách hàng cá nhân, tăng gần 46% lên 161.700 tỷ đồng. Trong khi đó, dư nợ cấp cho khách hàng doanh nghiệp (bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp) là 248.500 tỷ đồng, tăng gần 17%.

Về chi tiêu nguồn vốn, tổng tiền gửi trên bảng cân đối kế toán của Techcombank đến cuối năm 2021 là 314.800 tỷ đồng, tăng 13,4%. Các nguồn huy động vốn khác như vay hợp vốn và giấy tờ có giá lần lượt đạt 27.300 tỷ đồng (tăng 137%) và 33.700 tỷ đồng (tăng 21%).

Cũng đến cuối năm 2021, Techcombank cho biết tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 50,5%. Tương tự, ngân hàng này có khoảng 158.900 tỷ đồng tiền gửi thanh toán của khách hàng và chỉ phải trả lãi suất rất thấp 0,1%/năm (tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn). Với số dư này, Techcombank là ngân hàng có mức tiền gửi khách hàng cá nhân không kỳ hạn cao nhất thị trường trong nước.

Hiện tỷ lệ nợ xấu của Techcombank được kiểm soát ở mức 0,7% trên tổng dư nợ, tỷ lệ bao phủ nợ xấu là 163%.

Quy mô nợ tái cơ cấu theo chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là 1.900 tỷ đồng, tương đương 0,5% tổng dư nợ, thấp hơn mức 2.800 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý III/2021.

Trên thị trường chứng khoán, sau khi tăng tích cực cùng với nhóm cổ phiếu ngân hàng giai đoạn 2020-2021, cổ phiếu TCB của Techcombank có xu hướng hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2021, hiện giao dịch ở mức 50.300 đồng vào cuối ngày 24/1. Trong 6 tháng qua, thị giá cổ phiếu này tăng chưa đến 3% và dao động quanh mức 50.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, so với thời điểm đầu năm 2021, mức giá hiện tại của TCB vẫn cao hơn 130%.