VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Temu, dấu hiệu Trung Quốc dư thừa sản xuất?

Temu, dấu hiệu Trung Quốc dư thừa sản xuất?

10:56 - 15/11/2024

Làn sóng hàng xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc đang gây phản ứng dữ dội ở các nước khác dưới hình thức bảo hộ thương mại.

Nền tảng thương mại điện tử khổng lồ Temu có thể là dấu hiệu cảnh báo mới nhất cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang rơi vào vòng xoáy của sản xuất dư thừa và các chính sách của Bắc Kinh thúc đẩy tăng sản xuất hơn nữa.

Từ cuối tháng 9, Temu đã cung cấp phiên bản tiếng Việt trên các thiết bị di động, cho phép người tiêu dùng Việt Nam tải ứng dụng và đặt hàng. Nền tảng này thông báo đang làm việc với Bộ Công Thương để đăng ký cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam.

PDD Holdings – công ty mẹ của Temu và Pinduoduo, một sàn thương mại điện tử lớn khác ở Trung Quốc – đã gây thất vọng lớn với nhà đầu tư khi công bố kết quả kinh doanh quý II kém hồi cuối tháng 8, cảnh báo rằng cạnh tranh gay gắt sẽ kìm hãm lợi nhuận trong tương lai.

Cổ phiếu của PDD ở sàn Nasdaq giảm hơn 30% trong phiên giao dịch ngay sau công bố, xóa sổ 50 tỷ USD giá trị vốn hóa trong một ngày. Cổ phiếu này đã hồi phục một phần kể từ đó, nhưng vẫn giảm trên 20% so với hồi cuối tháng 8.

Temu đã cung cấp phiên bản tiếng Việt từ cuối tháng 9 nhưng chưa đăng ký với Bộ Công Thương. Ảnh: Anh Tuấn/Lao Động.

Temu đã cung cấp phiên bản tiếng Việt từ cuối tháng 9 nhưng chưa đăng ký với Bộ Công Thương. Ảnh: Anh Tuấn/Lao Động.

Bối cảnh kinh tế Trung Quốc có thể lý giải cho những khó khăn của PDD, theo phân tích của một nhà nghiên cứu.

Những người theo dõi Trung Quốc khác nhận định rằng sự trì trệ kinh tế gần đây là do lĩnh vực bất động sản sụp đổ, dân số già hóa và Chủ tịch Tập Cận Bình kiểm soát chặt hơn các chính sách kinh tế.

Nhưng theo Zongyuan Zoe Lium, một học giả về Trung Quốc tại viện nghiên cứu CFR, lý do quan trọng nhất là chiến lược ưu tiên tuyệt đối sản xuất công nghiệp mà Bắc Kinh đã áp dụng trong nhiều thập kỷ.

“Nói một cách đơn giản, trong nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng, Trung Quốc đang sản xuất ra sản lượng hơn nhiều so với mức mà họ hoặc các thị trường nước ngoài có thể hấp thụ một cách bền vững”, bà viết trong một bài bình luận trên tạp chí Foreign Affairs. “Kết quả là nền kinh tế Trung Quốc có nguy cơ bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của giá giảm, mất khả năng thanh toán, đóng cửa nhà máy và cuối cùng là mất việc làm”.

Khi lợi nhuận giảm, các công ty tăng sản lượng cao hơn và giảm giá thấp hơn để tạo dòng tiền trả nợ, bà Liu giải thích, bổ sung rằng các lĩnh vực mà chính phủ chỉ định ưu tiên buộc phải bán sản phẩm dưới giá thành để đạt các mục tiêu chính trị.

Mô hình này làm mất ổn định thị trường toàn cầu với làn sóng hàng xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc tạo ra phản ứng dữ dội dưới hình thức bảo hộ thương mại. Thị trường trong nước cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng sản xuất dư thừa và cạnh tranh giá khốc liệt có nguy cơ khiến nền kinh tế rơi vào giảm phát, bà Liu cảnh báo.

Trên thực tế, Temu đang gặp phải phản ứng từ các chính phủ khi cố gắng mở rộng ra ngoài Trung Quốc. Ví dụ, chính phủ Indonesia – thị trường thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á – gần đây đã cấm nền tảng này để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước trước hàng hóa giá rẻ Trung Quốc. Ở Việt Nam, Bộ Công Thương cảnh báo người tiêu dùng mua hàng trên các nền tảng chưa đăng ký như Temu, và đã có những ý kiến lo ngại về hàng hóa giá rẻ Trung Quốc đến từ các quan chức, chuyên gia kinh tế và chủ doanh nghiệp.

“Mặc dù lĩnh vực thương mại điện tử sôi động của Trung Quốc có vẻ cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn, nhưng trên thực tế, các nền tảng lớn như Alibaba, Pinduoduo và Shein cạnh tranh quyết liệt để bán các sản phẩm giống nhau”, bà Liu viết. “Nói cách khác, ảo giác về sự lựa chọn của người tiêu dùng che giấu một thị trường trong nước bị định hình chủ yếu bởi các ưu tiên công nghiệp của nhà nước thay vì sở thích cá nhân”.

Chính sách từ trên xuống tập trung vào các mục tiêu công nghiệp đi kèm với sự bùng nổ nợ nần của các chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Nhiều công ty đang trở thành “doanh nghiệp thây ma” chỉ tạo ra dòng tiền vừa đủ để đáp ứng nghĩa vụ trả nợ.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn định hướng vốn vào các ngành ưu tiên như AI, nhưng tiền đổ vào những công ty có thể mở rộng nhanh nhất chứ không phải những công ty sáng tạo nhất, bà Liu cho biết. “Nếu không có khả năng gây gián đoạn thị trường, những khoản đầu tư khổng lồ này chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề dư thừa năng lực sản xuất của Trung Quốc”, bà viết.

Tham khảo: https://www.foreignaffairs.com/china/chinas-real-economic-crisis-zongyuan-liu