VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Thách thức bủa vây doanh nghiệp

Thách thức bủa vây doanh nghiệp

12:06 - 29/11/2022

Trong 11 tháng đầu năm 2022, cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thị trường thì có tới 6 doanh nghiệp rút lui.

Doanh nghiệp dễ bị tổn thương

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng đầu năm 2022, cả nước có 194.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2021 và gấp 1,3 lần mức bình quân 11 tháng đầu năm giai đoạn 2017 – 2021 (153.664 doanh nghiệp).

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở tất cả 17 lĩnh vực, tích cực nhất là một số lĩnh vực chịu nhiều tác động bởi dịch Covid-19 như giáo dục và đào tạo; nghệ thuật, vui chơi và giải trí; dịch vụ lưu trú và ăn uống…

Cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thị trường thì có tới 6 doanh nghiệp rút lui trong 11 tháng đầu năm

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng có tới 132.339 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 11 tháng năm 2022, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2021 và gấp 1,3 lần mức bình quân cùng kỳ giai đoạn 2017 – 2021. Bình quân mỗi tháng có 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Nhận định về tình hình thị trường hiện nay cũng như thời gian tới, hầu hết chuyên gia kinh tế cho rằng, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do giá năng lượng, hàng hóa cơ bản tăng mạnh; chuỗi cung ứng bị gián đoạn; lạm phát tăng cao tại nhiều nền kinh tế; xung đột Nga – Ukraine khiến sức mua của người tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh…

Trên thực tế, phản ánh của nhiều hiệp hội ngành hàng gần đây cũng cho thấy, đơn hàng cho năm 2023 sụt giảm nghiêm trọng, nhất là ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng… Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022.

Một điểm đáng lưu ý khác là quy mô vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng giảm, nhất là những tháng cuối năm. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 11 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 10,8 tỷ đồng, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu so sánh cùng kỳ năm 2020 và năm 2019 thì tỷ lệ giảm tương ứng là 28,8% và 13,3%.

Số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng chững lại trong 2 tháng qua. Tính riêng trong tháng 11/2022, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới đạt 104.490 tỷ đồng, giảm 30,3% so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 2,3% so với tháng 10/2022. Đây là mức thấp nhất trong giai đoạn tháng 11 của các năm từ 2017 đến nay.

Báo cáo mới đây của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cũng chỉ ra một số vấn đề rào cản, thách thức lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phục hồi của doanh nghiệp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tình trạng khó khăn về dòng tiền (bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn) đang “bủa vây” doanh nghiệp.

Cần thêm trợ lực cho doanh nghiệp

Trước hàng loạt khó khăn, thách thức kéo dài đang làm doanh nghiệp “đuối sức”, các chuyên gia cho rằng cần nhiều “trợ lực” hơn nữa để doanh nghiệp đứng vững và vươn lên.

Về những giải pháp trước mắt, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng cần phải khơi thông nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, ông Hùng đề xuất Chính phủ cần phải có sự điều hành đồng bộ cả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, trong đó tiếp tục chỉ đạo quyết liệt tăng cường đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, cũng như thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, giảm bớt áp lực đối với tiền tệ, tín dụng từ hệ thống ngân hàng đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư… giúp cải thiện cung – cầu ngoại tệ cũng như giảm áp lực đối với tỷ giá.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới (như P2P Lending, Fintech, trung tâm kinh doanh thương mại, tiền kỹ thuật số, giao dịch xuyên biên giới, cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu…) đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu cấp quốc gia, cũng như thúc đẩy phối hợp giữa các bộ, ngành để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nền kinh tế.

Ngoài ra, ông Hùng kiến nghị cần xây dựng thị trường mua bán nợ và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua bán nợ của các doanh nghiệp và ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ. Các cấp quản lý nên tăng cường phối hợp chính sách, cải thiện môi trường đầu tư (thuế, hải quan, thủ tục hành chính…), tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, các thành phần kinh tế được bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực đầu vào và trong tiếp cận thị trường đầu ra.

Trong khi đó, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị cơ quan quản lý cần rốt ráo hơn nữa trong việc vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là về cơ chế, chính sách, bởi đây chính là “trợ lực” hiệu quả nhất giúp doanh nghiệp có thêm “sức đề kháng” để vượt khó.