VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Thaco đề xuất làm dự án bô xít 50.000 tỷ đồng ở Lâm Đồng

Thaco đề xuất làm dự án bô xít 50.000 tỷ đồng ở Lâm Đồng

17:04 - 24/08/2022

Thaco đề xuất xây dự án khai thác và chế biến quặng bô xít, alumin trên tổng diện tích 1.150 ha, tổng vốn đầu tư 50.000 tỷ đồng.

Sở Công Thương Lâm Đồng gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh cho phép Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án tổ hợp khai thác và chế biến bô xít trên địa bàn tỉnh

Theo đề xuất của Thaco, dự án này có tổng vốn đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng, gồm: nhà máy tuyển quặng bô xít quy mô 500 ha, công suất 3,25 triệu tấn quặng tinh/năm; nhà máy chế biến alumin quy mô 500 ha, công suất 1,3 triệu tấn/năm; nhà máy sản xuất nhôm quy mô 150ha, công suất 300.000 tấn/năm.

Tây Nguyên có trữ lượng quặng bô xít rất lớn.

Tây Nguyên có trữ lượng quặng bô xít rất lớn.

Khu vực khai thác có quy mô 107,66 km2, thuộc địa phận các xã Lộc Tấn, Lộc Quang (huyện Bảo Lâm), xã ĐamB’ri và phường Lộc Phát (TP Bảo Lộc) – nơi có tổng trữ lượng quặng thô lên đến 573,1 triệu tấn.

Vùng nguyên liệu này có thể đáp ứng nhu cầu của dự án trong vòng 30 năm, Thaco cho biết. Với trữ lượng đánh giá sơ bộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn dồi dào, tập đoàn sẽ tiến hành khảo sát, thăm dò, mở rộng và khai thác để đảm bảo cho dự án hoạt động lâu dài.

Trong đề xuất của mình, Thaco dự kiến sẽ sử dụng 5.000 lao động địa phương, nộp ngân sách khoảng 3.000 tỷ đồng mỗi năm.

Cùng với đó, trong quá trình triển khai dự án, Thaco sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển các dự án công nghiệp, dịch vụ mà mình có lợi thế như nông nghiệp, năng lượng tái tạo, dự án sinh thái.

Việt Nam được cho là một trong những quốc gia có nguồn bô xít lớn nhất thế giới. Tổng trữ lượng loại quặng nhôm này của nước ta ước tính khoảng 5,5 tỷ tấn. Trong đó, trữ lượng xác định khoảng 4,4 tỷ tấn, dự báo khoảng 1 tỷ tấn. Tuy nhiên, năm 2021, Việt Nam chỉ khai thác khoảng 3,5 triệu tấn bô xít, theo Statista.

Tài nguyên bô xít của Việt Nam tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên với trữ lượng ước tính khoảng 5,4 tỷ tấn. Trong đó, trữ lượng ở Đắk Nông khoảng 3,4 tỷ tấn, Lâm Đồng khoảng 975 triệu tấn, Gia Lai và Kon Tum khoảng 806 triệu tấn, và Bình Phước khoảng 217 triệu tấn.