VNReport»Kinh tế»Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam cao kỷ lục

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam cao kỷ lục

17:09 - 10/02/2023

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam là hơn 116 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ mà Mỹ có thâm hụt thương mại.

Theo số liệu mới được Cục Thống kê Dân số Mỹ công bố, trong năm 2022, Mỹ nhập khẩu 127,52 tỷ USD hàng hóa của Việt Nam, đồng thời xuất khẩu sang nước ta 11,4 tỷ USD.

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam là hơn 116 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ mà Mỹ có thâm hụt thương mại. Trung bình mỗi tháng, Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam 950 triệu USD, nhập về 10,6 tỷ USD, thâm hụt khoảng 9,7 tỷ USD.

Con số thâm hụt thương mại hàng hóa trong năm 2022 là mức chênh lệch cán cân xuất nhập khẩu lớn nhất trong lịch sử giao thương Việt – Mỹ, tăng 28% so với mức 91 tỷ USD trong năm 2021.

Lần gần nhất Mỹ có thặng dư thương mại với Việt Nam là vào năm 1996 với giá trị xuất khẩu 617 triệu USD, nhập khẩu 332 triệu, ứng với thặng dư 285 triệu USD.

Trong danh sách những nước xuất khẩu sang Mỹ nhiều nhất năm 2022, Việt Nam xếp vị trí thứ 6 và chiếm 3,9% tổng giá trị nhập khẩu của Mỹ. Đứng trước đó là các quốc gia Trung Quốc, Mexico, Canada, Nhật Bản và Đức.

Xét về tổng kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ với giá trị xuất nhập khẩu năm vừa qua đạt 139 tỷ USD, chiếm 2,6%.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ liên tục tăng cao nhưng đây cũng là thị trường khởi xướng các vụ điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng Việt Nam.

Theo ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), tính đến tháng 12/2022, Mỹ là thị trường điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng xuất khẩu của Việt Nam với 52 vụ việc (chiếm khoảng 22,5%).

Các mặt hàng bị điều tra tương đối đa dạng, từ các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thép, gỗ, thủy sản, dệt may, lốp xe, đến các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu nhỏ như mật ong, máy cắt cỏ, đệm mút, túi dệt.

Đáng chú ý, gần đây các vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế của Mỹ có xu hướng gia tăng khi nước này sửa đổi quy định liên quan. Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng 20 vụ việc chống lẩn tránh thuế. Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn bị điều tra như pin năng lượng mặt trời (1,4 tỉ USD), tủ gỗ (2,7 tỉ USD).

Do vậy, theo ông Dũng, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu quy định pháp luật, thực tiễn điều tra phòng vệ thương mại của các nước xuất khẩu, thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo, thiết lập các kênh thông tin để kịp thời cập nhật, xử lý các vụ kiện, tình huống phát sinh.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm, cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá. Có chiến lược kiểm soát lượng xuất khẩu và giá bán một cách phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá, nhận trợ cấp.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế, lưu giữ đầy đủ hóa đơn, chứng từ để có thể chứng minh khi bị điều tra.

Doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Đa dạng hóa sản phẩm, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường.