VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Thế giới gặp rủi ro khi phụ thuộc vào nhà sản xuất chip Đài Loan

Thế giới gặp rủi ro khi phụ thuộc vào nhà sản xuất chip Đài Loan

10:48 - 21/06/2021

Sự thống trị của TSMC gây rủi ro cho nền kinh tế thế giới, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và đợt thiếu hụt chip nghiêm trọng.

Sự thống trị của TSMC

Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) sản xuất hầu hết tất cả các con chip phức tạp nhất thế giới và nhiều loại đơn giản hơn. Chúng nằm trong hàng tỷ sản phẩm có thiết bị điện tử tích hợp, bao gồm iPhone, máy tính cá nhân và ô tô. Nhưng người tiêu dùng ít biết đến TSMC – chuyên sản xuất chip theo thiết kế của các công ty nổi tiếng hơn như Apple và Qualcomm.

TSMC đã nổi lên trong vài năm qua với tư cách là công ty bán dẫn quan trọng nhất thế giới, có ảnh hưởng to lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Với vốn hóa thị trường khoảng 550 tỷ USD, TSMC được xếp hạng là công ty có giá trị thứ 11 trên thế giới.

Tấm wafer silicon do TSMC sản xuất.

Tấm wafer silicon do TSMC sản xuất.

Tuy nhiên, sự thống trị của TSMC khiến thế giới rơi vào tình thế dễ bị tổn thương. Khi ngày càng có nhiều công nghệ đòi hỏi những con chip phức tạp đến khó tin, thì càng có nhiều sản phẩm đến từ công ty này, trên một hòn đảo là tâm điểm của căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn tuyên bố Đài Loan là của riêng mình.

Các nhà phân tích cho rằng sẽ rất khó để các nhà sản xuất khác có thể bắt kịp trong một ngành công nghiệp đòi hỏi các khoản đầu tư vốn khổng lồ. Và TSMC không thể tạo ra đủ chip để đáp ứng cho tất cả mọi người – một thực tế đã trở nên rõ ràng hơn trong bối cảnh thiếu hụt toàn cầu. Điều này làm tăng thêm sự hỗn loạn của tắc nghẽn nguồn cung, đẩy giá tăng cao hơn đối với người tiêu dùng, đặc biệt là trong ngành công nghiệp ô tô.

Ở một số khía cạnh, tình hình tương tự như trước đây khi thế giới phụ thuộc vào dầu mỏ Trung Đông, khi mà bất kỳ sự bất ổn nào trên hòn đảo này có nguy cơ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp. Theo công ty nghiên cứu chất bán dẫn có trụ sở tại Đài Loan TrendForce, các công ty ở Đài Loan, bao gồm cả các nhà sản xuất nhỏ hơn, đã tạo ra khoảng 65% doanh thu toàn cầu cho ngành sản xuất chip thuê ngoài trong quý đầu tiên của năm nay. Riêng TSMC tạo ra 56% doanh thu toàn cầu.

Gần đây, công ty nghiên cứu Capital Economics đã viết rằng việc phụ thuộc vào chip Đài Loan “gây ra mối đe dọa cho nền kinh tế toàn cầu”.

TSMC, được niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York, đã báo cáo lợi nhuận 17,6 tỷ USD vào năm ngoái với doanh thu khoảng 45,5 tỷ USD.

Capital Economics cho biết, công nghệ của TSMC tiên tiến đến mức hiện tại công ty tạo ra khoảng 92% chip tinh vi nhất thế giới, có các bóng bán dẫn có chiều rộng nhỏ hơn một phần nghìn sợi tóc người. Phần còn lại là của Samsung Electronics. Hầu hết trong số khoảng 1,4 tỷ bộ vi xử lý smartphone trên toàn thế giới được sản xuất bởi TSMC.

Theo IHS Markit, một công ty tư vấn, TSMC tạo ra tới 60% bộ vi điều khiển ít phức tạp hơn mà các nhà sản xuất ô tô cần để tăng tự động hóa sản phẩm của họ.

TSMC cho biết rằng thị phần của mình đối với các bộ vi điều khiển này là khoảng 35%. Người phát ngôn của công ty, Nina Kao, bác bỏ ý kiến ​​cho rằng thế giới phụ thuộc quá nhiều vào công ty, do có nhiều lĩnh vực chuyên môn hóa trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn của thế giới.

Những nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào TSMC

Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đang cố gắng cắt giảm sự phụ thuộc vào chip Đài Loan. Mặc dù Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về thiết kế chip và sở hữu trí tuệ với những gã khổng lồ trong nước như Intel, Nvidia và Qualcomm, nhưng hiện nước này chỉ chiếm 12% sản lượng chip trên thế giới, giảm từ 37% vào năm 1990, theo Boston Consulting Group.

Kế hoạch cơ sở hạ tầng của Tổng thống Biden bao gồm 50 tỷ USD để giúp thúc đẩy sản xuất chip trong nước. Trung Quốc đã coi độc lập về chất bán dẫn là một nguyên tắc chính trong kế hoạch chiến lược quốc gia của mình. Liên minh châu Âu đặt mục tiêu sản xuất ít nhất 20% chip thế hệ tiếp theo của thế giới vào năm 2030 như một phần của kế hoạch công nghiệp kỹ thuật số trị giá 150 tỷ USD.

Vào tháng 3, Intel công bố đầu tư 20 tỷ USD để xây dựng 2 nhà máy sản xuất chip mới ở Mỹ, để giảm phụ thuộc vào TSMC.

Vào tháng 3, Intel công bố đầu tư 20 tỷ USD để xây dựng 2 nhà máy sản xuất chip mới ở Mỹ, để giảm phụ thuộc vào TSMC.

Vào tháng 3, Intel công bố khoản đầu tư 20 tỷ USD để xây dựng 2 nhà máy sản xuất chip mới ở Mỹ. Ba tháng trước đó, giám đốc điều hành khi đó Bob Swan đã đáp một máy bay riêng đến Đài Loan để xem liệu TSMC có tiếp quản một số công việc sản xuất cho chip thế hệ mới nhất của Intel hay không, những người biết về cuộc họp cho biết.

Các giám đốc điều hành của TSMC mong muốn giúp đỡ nhưng sẽ không thực hiện theo các điều khoản của Intel và không đồng ý về giá cả. Vì vậy, các cuộc đàm phán vẫn chưa ngã ngũ, theo một trong những nguồn tin.

Intel đã sa thải ông Swan vào tháng 1 khi cố gắng phục hồi sau những sai lầm khiến họ có khả năng phụ thuộc vào TSMC. Vốn hóa thị trường của Intel là khoảng 225 tỷ USD, chưa bằng một nửa so với TSMC.

Nhà sản xuất Đài Loan cũng đã phải đối mặt với lời kêu gọi từ Mỹ và Đức để mở rộng nguồn cung do tình trạng đóng cửa nhà máy và sụt giảm doanh thu trong ngành công nghiệp ô tô, vốn là ngành đầu tiên bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu chip hiện nay.

Một cuộc họp giữa các nhà sản xuất chip và ô tô do chính quyền Biden tổ chức vào tháng 5 đã đạt được một số tiến bộ nhưng vẫn để lại những thất vọng âm ỉ. Các nhà sản xuất ô tô Mỹ cảm thấy họ chưa có kế hoạch chi tiết về nỗ lực tăng sản lượng của TSMC, theo những người biết về cuộc họp

TSMC cho biết họ đã thực hiện những hành động chưa từng có và tăng sản lượng vi điều khiển lên 60% so với năm 2020.

Nguyên nhân khiến các hãng khó cạnh tranh với TSMC

Các nhà phân tích cho rằng xu hướng rộng lớn hơn trong ngành, cùng với văn hóa làm việc chăm chỉ và túi tiền dày của TSMC, sẽ khiến cho việc sớm tạo ra một chuỗi cung ứng bán dẫn đa dạng hơn khó có thể xảy ra.

Chất bán dẫn đã trở nên phức tạp và dùng nhiều vốn đến mức một khi nhà sản xuất tụt hậu thì rất khó để bắt kịp. Các công ty có thể chi hàng tỷ USD và nhiều năm cố gắng, chỉ để thấy “chân trời” công nghệ ngày càng lùi xa.

Một công nhân của TSMC với tấm wafer 8 inch.

Một công nhân của TSMC với tấm wafer 8 inch.

Chỉ riêng một nhà máy sản xuất chất bán dẫn có thể trị giá tới 20 tỷ USD. Một công cụ sản xuất quan trọng để chế tạo chip tiên tiến in các mẫu mạch phức tạp trên silicon có giá lên tới 100 triệu USD, đòi hỏi nhiều máy bay để phân phối.

Các kế hoạch mở rộng của riêng TSMC kêu gọi chi 100 tỷ USD trong 3 năm tới. Đó là gần 1/4 chi tiêu vốn của toàn ngành, theo công ty nghiên cứu chất bán dẫn VLSI Research.

Các quốc gia khác sẽ cần chi ít nhất 30 tỷ USD mỗi năm trong tối thiểu 5 năm để “có bất kỳ cơ hội thành công đáng kể nào” trong việc bắt kịp TSMC và Samsung, công ty nghiên cứu IC Insights viết trong một báo cáo gần đây.

Áp lực với TSMC

Khi TSMC ngày càng chiếm ưu thế, công ty ngày càng khó duy trì vai trò là một bên trung lập trong ngành, đặc biệt là khi căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, 2 trong số các thị trường quan trọng nhất của TSMC.

Để đối phó với áp lực ngày càng tăng của Mỹ đối với Trung Quốc, TSMC đã đình chỉ các đơn đặt hàng từ Huawei, từng là khách hàng Trung Quốc lớn nhất của họ, vào năm ngoái và cam kết xây dựng một nhà máy trị giá 12 tỷ USD ở Arizona.

TSMC đã đình chỉ các đơn đặt hàng từ Huawei do các lệnh cấm từ Mỹ.

TSMC đã đình chỉ các đơn đặt hàng từ Huawei do các lệnh cấm từ Mỹ.

Mặc dù nhà máy ở Arizona của TSMC sẽ giúp tăng sản lượng chip trên đất Mỹ, nhưng nó sẽ không đưa Mỹ đến với công nghệ tiên tiến hàng đầu. Nhà máy dự kiến ​​sẽ sản xuất loại chip công nghệ 5 nanomet vào thời điểm nó hoạt động vào năm 2024. Tại thời điểm đó, công nghệ tiên tiến được dự đoán là công nghệ 3 nanomet. Những con chip này sẽ được sản xuất bởi TSMC tại Đài Loan.

Với các bộ vi điều khiển dành cho các nhà sản xuất ô tô, TSMC đã tỏ ra thất vọng vì sự đòi hỏi phải ưu tiên các đơn đặt hàng của ngành. Các nhà sản xuất ô tô đã cắt giảm đơn đặt hàng của riêng họ vào năm ngoái khi đại dịch bắt đầu. Vào thời điểm nhu cầu tăng trở lại, TSMC đã cam kết sản lượng ở nơi khác.

Các nhà phân tích cho rằng TSMC có rất ít động lực để phân bổ lại sản xuất. Các chip ô tô ít sinh lợi hơn chỉ chiếm khoảng 4% doanh thu của họ.

Khi các nhà sản xuất ô tô của Đức bắt đầu cho công nhân nghỉ việc và cắt giảm sản lượng vào cuối năm ngoái với tình trạng thiếu chip ngày càng trầm trọng, họ đã vận động chính phủ Đức gây áp lực với Đài Loan. Bộ trưởng Kinh tế Đức, Peter Altmaier, đã viết một lá thư cho các quan chức Đài Loan thúc giục họ đảm bảo TSMC mở rộng nguồn cung và cảnh báo rằng tình trạng thiếu chip có thể làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế toàn cầu.