VNReport»Kinh tế»Cuộc đua thị trường chuỗi cà phê ở Việt Nam ngày càng khốc liệt

Cuộc đua thị trường chuỗi cà phê ở Việt Nam ngày càng khốc liệt

14:37 - 14/02/2023

Sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường chuỗi cà phê Việt Nam đến từ các thương hiệu quốc tế lẫn nội địa.

Sau 3 năm tiết lộ sẽ tấn công Việt Nam, chuỗi cà phê nổi tiếng Nhật Bản % Arabica đã chính thức có cửa hàng đầu tiên tại TP HCM. Cửa hàng được đặt tại chung cư 42 Nguyễn Huệ. Đây là cửa hàng thứ 142 của tập đoàn cà phê Nhật Bản trên toàn cầu và với Việt Nam là thị trường thứ 20.

Theo đại diện The Kho Group – đơn vị đồng hành cùng % Arabica tại Việt Nam, % Arabica có kế hoạch khai trương cửa hàng thứ hai ở Việt Nam tại trung tâm mua sắm Diamond Plaza (Quận 1, TP HCM). Ngoài ra, chuỗi cà phê Nhật Bản cũng đang khám phá tiềm năng mở rộng tại Hà Nội, Hội An và Phú Quốc.

% Arabica chính thức có cửa hàng đầu tiên tại TP HCM

Sự xuất hiện của % Arabica càng làm nóng hơn thị trường cà phê chuỗi tại Việt Nam. Theo nghiên cứu của Euromonitor, thị trường chuỗi cà phê và trà tại Việt Nam hiện đạt quy mô khoảng 1 tỷ USD mỗi năm.

Nền tảng thông tin chuyên ngành về ngành cà phê của Anh Allegra World Coffee Portal cũng từng dự báo các chuỗi cà phê Việt Nam sẽ có tổng cộng khoảng 5.200 cửa hàng vào 2025.

Hiện thị trường cà phê chuỗi Việt Nam đang được chiếm lĩnh bởi một số thương hiệu lớn như Highlands Coffee, Phúc Long, The Coffee House, Trung Nguyên, Starbucks Coffee nhưng vẫn chưa có doanh nghiệp nào chiếm ưu thế.

Vì vậy, thời gian qua, trong khi một số “ông lớn” đang tiếp tục bành trướng để gia tăng thị phần thì cũng có hàng loạt các thương hiệu mới từ trong nước đến ngoài nước nhảy vào tham gia, khiến cuộc chiến ngày càng khốc liệt hơn.

Trước %Arabica không lâu, thương hiệu cà phê Thái Lan Café Amazon – chuỗi cà phê có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, đã mở khoảng 20 cửa hàng tại Việt Nam. Tuy nhiên, con số này được cho là vẫn khá khiêm tốn và chuỗi này cũng thừa nhận vừa làm vừa tìm hiểu vì thị trường Việt Nam rất đặc thù.

Được biết, Café Amazon tại Việt Nam được nhượng quyền độc quyền cho ORCG, liên doanh giữa Central Group (chủ sở hữu chuỗi siêu thị Go!) và Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT). Liên doanh này đã rót 3,5 triệu USD để làm chuối Café Amazon tại Việt Nam nhưng đến hiện tại, kết quả không mấy khả quan.

Sự khốc liệt trong cạnh tranh chuỗi cà phê Việt Nam còn thể hiện ở kết quả kinh doanh không như mong đợi của Phúc Long. Thương hiệu này từng khiến “ông trùm” bán lẻ Masan tiêu tốn hàng trăm triệu USD để giành quyền chi phối nhưng doanh thu cả năm 2022 chỉ đạt 1.579 tỷ đồng, thay vì kế hoạch 2.500-3.000 tỷ đồng đề ra.

Trước đó, thị trường cà phê chuỗi Việt Nam cũng từng đào thải rất nhiều tên tuổi ngoại quốc như NYDC – New York Dessert Café, Gloria Jean’s Coffees, Espressamente Illy… vì kinh doanh không hiệu quả.

Vì vậy, dù là thị trường vô cùng tiềm năng nhưng không phải bất kỳ thương hiệu nào cũng hái được trái ngọt khi tham chiến thị trường Việt nam. Sự hiệu quả và tham vọng của các thương hiệu có tồn tại được lâu dài tại thị trường Việt Nam hay không còn là một câu chuyện dài hơi sẽ được kiểm chứng trong tương lai.