VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Thêm ứng dụng nhảy vào mảng gọi xe di chuyển

Thêm ứng dụng nhảy vào mảng gọi xe di chuyển

11:03 - 21/05/2025

Sự gia nhập của các ứng dụng mới hứa hẹn mang đến nhiều lựa chọn hơn cho người dùng, với các dịch vụ đa dạng và mức giá cạnh tranh, thúc đẩy các nền tảng hiện có phải liên tục cải thiện chất lượng để giữ chân khách hàng.

Theo nguồn tin trên VnExpress, mới đây, Lalamove, nền tảng đặt xe theo yêu cầu hoạt động 24/7, đã ra mắt dịch vụ đặt xe máy và ôtô tại TP.HCM. Theo đó, dịch vụ đã được tích hợp trên ứng dụng của công ty. Hiện nền tảng triển khai dịch vụ mới này tại TP HCM và cho biết sẽ mở rộng sang các tỉnh thành khác thời gian tới.

Được thành lập tại Hong Kong vào năm 2013, Lalamove tập trung vào việc cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng, đơn giản và chi phí hợp lý. Kể từ khi gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2017, công ty đã cung cấp nhiều lựa chọn giao hàng, bao gồm xe van, xe bán tải và xe tải với đa dạng trọng tải.

Lalamove cho biết dịch vụ mới sẽ mang đến thêm lựa chọn di chuyển với chi phí minh bạch cho khách hàng, bao gồm xe máy và ôtô 4 chỗ, 7 chỗ. Dịch vụ này đã được tích hợp vào ứng dụng Lalamove, cho phép khách hàng dễ dàng sử dụng cả dịch vụ giao hàng và đặt xe đưa đón chỉ với vài thao tác.

Nói về quyết định ra mắt thị trường gọi xe, ông Nguyễn Hải Đăng, Giám đốc điều hành Lalamove Việt Nam, chia sẻ: “Nhằm đáp ứng nhu cầu di chuyển tiết kiệm hơn của khách hàng và mong muốn cải thiện thu nhập của đối tác tài xế, Lalamove triển khai dịch vụ chở khách bằng xe máy và ôtô tại TP.HCM. Hi vọng rằng dịch vụ mới của Lalamove sẽ giúp khách hàng có thêm lựa chọn di chuyển với giá hợp lý hơn, đồng thời đối tác tài xế có thêm nguồn thu nhập để nâng cao chất lượng sống”. Thực tế, trước khi tham gia thị trường gọi xe chở người ở Việt Nam, Lalamove đã triển khai dịch vụ này tại Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia.

Thị trường gọi xe hiện có sự tham gia của nhiều nền tảng gọi xe như Grab, Xanh SM, Be và Tada,

Hiện tại, thị trường gọi xe chở người, giao hàng và giao đồ ăn tại Việt Nam đang có nhiều triển vọng. Theo báo cáo “e-Conomy SEA 2024” của Google, Temasek và Bain & Company, quy mô thị trường gọi xe và giao đồ ăn ở Việt Nam ước đạt 4 tỷ USD vào năm 2024 và có thể tăng lên 9 tỷ USD vào năm 2030. Riêng mảng chở người, quy mô thị trường dự kiến đạt 1,05 tỷ USD trong năm nay và mở rộng lên 2,56 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm 19,5% trong giai đoạn 2025-2030, theo công ty nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence (Ấn Độ). Thị trường hiện có sự tham gia của nhiều nền tảng gọi xe như Grab, Xanh SM, Be và Tada, trong đó Xanh SM chiếm ưu thế với 39,85% thị phần taxi và taxi công nghệ vào quý I, tiếp theo là Grab với 35,57%.

Mordor Intelligence cho rằng sự phát triển của thị trường gọi xe được thúc đẩy bởi dân số đô thị tăng nhanh, xu hướng ưu tiên sự tiện lợi trong di chuyển cá nhân, thế hệ trẻ am hiểu công nghệ, cùng với sự gia tăng lượng khách du lịch đến Việt Nam. Tuy nhiên, cạnh tranh trong lĩnh vực này cũng rất khốc liệt.

Theo đó, Báo cáo “e-Conomy SEA 2024” chỉ ra rằng dịch vụ gọi xe đang trở nên sôi động hơn khi các doanh nghiệp nội địa thu hút sự chú ý, dẫn đến việc Gojek rút lui vào tháng 9/2024. Hơn nữa, từ đầu năm đến nay, thị trường gọi xe công nghệ liên tục có những diễn biến sôi động, từ kế hoạch xâm nhập của Bolt – đối thủ của Uber tại châu Âu, đến kế hoạch mở rộng mảng giao đồ ăn của Xanh SM. Cạnh tranh dự kiến sẽ ngày càng gay gắt hơn, định hình lại ngành và có khả năng thúc đẩy sự lấn sân của xe điện.

Theo khảo sát nhanh của nền tảng nghiên cứu thị trường trực tuyến Q&Me, hai lý do chính khiến người dùng cân nhắc dịch vụ gọi xe, đặc biệt là xe máy, là khả năng an toàn (chiếm 77%) và giá cả (chiếm 62%). Ngoài ra, các yếu tố khác như sự lịch sự của tài xế, khả năng phản hồi nhanh, dễ dàng trong việc đặt chuyến và chất lượng xe cũng ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn của hành khách.

https://vnexpress.net/giao-hang-lalamove-gia-nhap-thi-truong-goi-xe-4888354.html