VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Thị trường bất động sản Việt Nam và Trung Quốc giống nhau “đáng lo ngại”

Thị trường bất động sản Việt Nam và Trung Quốc giống nhau “đáng lo ngại”

14:59 - 26/08/2022

Những yếu tố gây khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc – bao gồm tâm lý chuộng bất động sản, tập quán bán nhà hình thành trong tương lai, và bê bối của các nhà phát triển – đang xuất hiện ở Việt Nam.

Trong nhiều thập kỷ, người Trung Quốc cho rằng bất động sản là kênh tích lũy của cải duy nhất. Bất động sản chiếm khoảng 70% tài sản hộ gia đình của Trung Quốc và 30% nền kinh tế của nước này. Nhưng vụ vỡ nợ của China Evergrande, cùng với giá nhà giảm và các cuộc tẩy chay thanh toán thế chấp sau đó, đẩy nền kinh tế rơi vào chu kỳ tăng trưởng chậm nhất kể từ Cách mạng Văn hóa và khiến người Trung Quốc phải suy nghĩ lại về bất động sản.

Sự sụp đổ của Evergrande là lời cảnh báo đối với Việt Nam. Từ tâm lý ưa chuộng bất động sản, tập quán bán nhà hình thành trong tương lai, đến cách quản trị của các doanh nghiệp bất động sản, Việt Nam có quá nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc.

Giống như người Trung Quốc, người Việt Nam rất ưa chuộng kênh đầu tư bất động sản.

Giống như người Trung Quốc, người Việt Nam rất ưa chuộng kênh đầu tư bất động sản.

Một số nhà phát triển bất động sản lớn ở Việt Nam đang dính vào bê bối trong thời gian gần đây. Vào tháng 3, Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC – bị bắt vì hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Tháng 4, Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh – bị bắt lừa đảo nhà đầu tư mua trái phiếu của công ty.

Đó là những chiến lược quen thuộc của các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc. Evergrande và các nhà phát triển khác luôn cố gắng tìm mọi nguồn tài chính có thể để mở rộng. Nhằm tránh sự giám sát của chính phủ, họ tìm cách huy động tiền từ việc bán trái phiếu tư nhân được thiết kể để không phải đưa vào bảng cân đối kế toán trong mùa kiểm toán. Giá cổ phiếu của các công ty thường xuyên tăng cao và lao dốc một cách bí ẩn. Cách làm đó để lại hậu quả, với 28 trong số 100 nhà phát triển hàng đầu đã vỡ nợ hoặc đề nghị được giãn nợ.

Vụ bê bối lớn nhất của Việt Nam trong những năm gần đây có lẽ là Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba. Công ty này bán những mảnh đất trống cho hàng nghìn người, nói với họ rằng đây là khu đất gần dự án phát triển một trung tâm thương mại lớn. Alibaba đã lừa các nhà đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Vụ việc đó cho thấy sự hỗn loạn và thiếu quản lý của thị trường bất động sản Việt Nam, cũng như văn hóa đặt đất đai lên trên tất cả của người dân.

Bất chấp vụ Alibaba, người Việt vẫn không nản lòng. Đất nền vẫn là hạng mục đầu tư bất động sản sinh lời nhiều nhất, tiếp theo là nhà đất, nhà liền kề và sau đó là chung cư. Tính đến hết quý II, đất nền tại TP HCM có giá 6.913 USD/m2, tăng 48% so với năm ngoái, theo dữ liệu của CBRE.

Cũng giống như Trung Quốc, việc bán nhà ở hình thành trong tương lai rất phổ biến ở Việt Nam. Ví dụ, Vinhomes – chủ đầu tư nhà ở lớn nhất đất nước – bán hầu hết các căn hộ ngay sau khi khởi công dự án. Người mua phải trả ít nhất 30% tổng giá mua, phần còn lại được thanh toán trong khi đang xây.

Cách bán hàng này có ưu điểm, đặc biệt là ở một thị trường đang lên như Việt Nam. Nó giúp chủ đầu tư thu được tiền mặt nhanh hơn, trong khi người mua nhà có thể chốt mức giá hiện tại trước khi các căn hộ hoàn thiện. Tuy nhiên, họ phải chịu rủi ro đáng kể, mà người Trung Quốc đang trải qua. Những cuộc tẩy chay thế chấp gần đây xuất phát từ sự thất vọng của người mua về tiến độ chậm chạp của các chủ đầu tư.

Một dự án chung cư cao cấp của Novaland bị kê biên năm 2019.

Một dự án chung cư cao cấp của Novaland bị kê biên năm 2019.

Cách tiếp cận này từng gây đau đầu ở Việt Nam. Năm 2019, một dự án chung cư cao cấp do Novaland đồng phát triển không thể bàn giao 187 căn hộ tại TP HCM vì bị kê biên liên quan đến một cuộc điều tra chống tham nhũng.

Năm ngoái, dự án Palm Garden cũng ở TP HCM do Keppel Land đồng phát triển phải hoàn lại 10% tiền đặt cọc cho hơn 600 người mua. Lý do là các chủ đầu tư chưa được chấp thuận để bắt đầu xây dựng, 2 năm sau khi ra mắt, và không thể chắc chắn khi nào động thổ được, theo thư mà chủ đầu tư gửi cho người mua.

Nhà điều hành chính sách cũng đang lo ngại. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thắt chặt tín dụng vào lĩnh bực bất động sản. Tính đến tháng 6, dư nợ bất động sản, chiếm khoảng 20% ​​tổng dư nợ cho vay, tăng 14% so với một năm trước đó, nhanh hơn mức tăng trưởng tín dụng trung bình của nền kinh tế là 9,4%.

Người tiêu dùng hiện đang gặp khó khăn trong vay thế chấp. Theo các nhà môi giới ở TP HCM, hiện chỉ có 20-30% người mua được vay mua nhà, so với 50-60% trước đây. Nhưng động thái thắt chặt tín dụng có thể không hạ nhiệt được xu hướng đầu cơ, vì các nhà đầu cơ hiếm khi đến ngân hàng để vay thế chấp, họ cho biết.

Cũng giống như Trung Quốc trước đây, thị trường bất động sản Việt Nam rất vội vàng. Các chủ đầu tư muốn bán hết hàng ngay khi xây xong tầng hầm để chuyển sang dự án tiếp theo. Người tiêu dùng cũng muốn nhanh chóng sở hữu nhà trước khi giá trở nên quá đắt đỏ. Vòng quay chóng mặt này có thể là mầm mống tai họa trong tương lai, khi thị trường bất động sản rơi vào tình trạng bong bóng.