VNReport»Kinh tế»Tài chính»Thị trường chứng khoán gần đây có sự phục hồi, thanh khoản thị trường cải thiện rõ rệt

Thị trường chứng khoán gần đây có sự phục hồi, thanh khoản thị trường cải thiện rõ rệt

08:29 - 27/07/2023

Đây là nhận định của Vũ Thị Chân Phương – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại “Đối thoại tháng 7: Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán” diễn ra hôm 26/7.

“Đối thoại tháng 7: Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán”, do Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán tổ chức.

Tại cuộc đối thoại, các chuyên gia kinh tế phân tích, kinh tế thế giới năm 2023 đang trong suy thoái kỹ thuật và cục bộ. Giá cả, lạm phát, lãi suất toàn cầu giảm, nhưng còn ở mức cao, rủi ro tài chính – tiền tệ tăng khiến tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu mong manh hơn. Bối cảnh này tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính của Việt Nam.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, năm 2023, kinh tế thế giới suy thoái kỹ thuật, cục bộ. Dự báo của Ngân hàng Thế giới cho biết, năm 2023, tăng trưởng còn 2,1-2,4%, giảm từ mức 3-3,4% năm 2022; lạm phát (CPI) đang giảm (từ 7,6% năm 2022 xuống còn khoảng 5,5% năm 2023.

Thị trường chứng khoán phát triển sẽ giúp giảm áp lực cho thị trường tiền tệ, giảm bớt gánh nặng cùng hệ thống ngân hàng về vốn cho nền kinh tế và các doanh nghiệp.

Bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bấp bênh, khó lường do xung đột địa chính trị kéo dài; rủi ro thị trường tài chính – tiền tệ toàn cầu, rủi ro nợ xấu và vỡ nợ gia tăng; rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực và áp lực lạm phát, lãi suất còn ở mức cao. Kinh tế thế giới suy thoái, cục bộ tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính của Việt Nam.

“Nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang đối diện khủng hoảng đa tầng. Vì vậy, để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5% là khó khả thi. Mức tăng trưởng GDP cả năm 2023 sẽ nằm trong khoảng 5%”, ông Cấn Văn Lực dự báo.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm cũng như đạt được mức tăng trưởng hợp lý, các chuyên gia cho rằng, các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế cần tích cực thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng bộ để thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua khó khăn.

Ông Phạm Chí Quang – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam hiện đang ở mức 126%, là mức cao nhất trong các nước đang phát triển. Việc nền kinh tế dựa vào tín dụng ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro với kinh tế vĩ mô, vì vốn ngân hàng là ngắn hạn, trong khi nhu cầu vốn vay trung và dài hạn lại rất lớn. “Quá dựa vào tín dụng để thúc đẩy kinh tế không phải là con đường an toàn nhất”, ông Quang chia sẻ.

Ông Quang cho rằng, bên cạnh tín dụng ngân hàng, cần tập trung phát triển các kênh dẫn vốn an toàn khác như thị trường chứng khoán, cụ thể là thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu doanh nghiệp…

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho rằng, thị trường chứng khoán phát triển sẽ giúp giảm áp lực cho thị trường tiền tệ, giảm bớt gánh nặng cùng hệ thống ngân hàng về vốn cho nền kinh tế và các doanh nghiệp.

Liên quan đến thị trường chứng khoán, bà Vũ Thị Chân Phương – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thị trường chứng khoán gần đây có phục hồi, thanh khoản thị trường cải thiện rõ rệt.

“Số lượng nhà đầu tư vào chứng chỉ quỹ quý I có sự tăng trưởng cao với 212.636 nhà đầu tư quỹ mở, tăng 18% so với cùng kỳ. Số lượng quỹ đầu tư chứng khoán mở mới cũng tăng nhanh, từ mức chỉ có 47 quỹ vào năm 2019 thì đến nay là 103 quỹ, tăng gấp 2,19 lần. Dòng tiền thông minh sẽ chảy vào nơi có hiệu quả đầu tư cao hơn… Điều này cho thấy các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách hỗ trợ khác đã tác động tích cực đến thị trường chứng khoán và DN…”, bà Nga đánh giá.

Bà Phương cũng chia sẻ thêm,  cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tiếp tục quản lý và đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, lành mạnh, đáp ứng yêu cầu kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, chia sẻ sức ép cho kênh tín dụng ngân hàng. Trong đó, chú trọng tăng chất lượng hàng hóa cho thị trường để vừa nhanh chóng khôi phục niềm tin nhà đầu tư, vừa đảm bảo nền tảng vững chắc để thị trường phát triển bền vững trong dài hạn.