Thị trường công nghệ giáo dục Việt Nam bùng nổ khi đại dịch Covid-19 thúc đẩy nhu cầu học trực tuyến, với thị phần dành cho các doanh nghiệp lớn cũng như công ty khởi nghiệp.
Thị trường này hiện có quy mô 3 tỷ USD, tăng gấp rưỡi so với mức ước tính 2 tỷ USD năm 2019. Sự trỗi dậy của giáo dục trực tuyến có thể giúp chuẩn bị tốt hơn cho lực lượng lao động của đất nước trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa và số hóa.
Một công ty lớn trong lĩnh vực này là FPT, có ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo để mang đến trải nghiệm học tập phù hợp với điểm mạnh và điểm yếu của từng học sinh, đồng thời bao gồm lượng nội dung khổng lồ: 2.000 video chỉ riêng môn toán. Học sinh học trên ứng dụng nhanh hơn từ 30% đến 50% so với các lớp học trực tiếp truyền thống, FPT cho biết.
Nền tảng này cũng có thể tự động giao bài tập và chấm điểm bài kiểm tra, giảm đến một nửa thời gian mà giáo viên cần dành cho những công việc đó. Ứng dụng có khoảng 3 triệu tài khoản trên 40.000 trường học, theo FPT. Công ty cũng đã tung ra dịch vụ học tập trực tuyến cho Đại học FPT, cũng như Funix, một nền tảng trực tuyến hướng tới người trưởng thành quan tâm đến việc làm việc trong ngành công nghệ.

Đại dịch Covid-19 thúc đẩy nhu cầu học trực tuyến của Việt Nam.
Những công ty nước ngoài cũng đang thâm nhập thị trường. Tập đoàn Gakken Holdings của Nhật Bản tháng trước hợp tác với công ty Việt Nam KiddiHub – vận hành trang web thông tin về các trường mẫu giáo. Gakken muốn tận dụng KiddiHub để khơi gợi sự quan tâm đến giáo dục không nhận thức, một phương pháp tập trung vào các kỹ năng như tư duy phản biện.
Gakken có kế hoạch trước hết cử giáo viên đến các trường mẫu giáo tư thục 2 lần/tháng để xây dựng thương hiệu tại Việt Nam. Công ty đặt mục tiêu đưa dịch vụ của mình đến 2.000 trường mẫu giáo và những cơ sở chăm sóc trẻ em khác với doanh thu hàng năm là 8,8 triệu USD vào năm 2025 và sau đó sẽ tung ra các dịch vụ hướng tới cá nhân.
Việt Nam gần đây hưởng làn sóng các nhà sản xuất tìm kiếm lao động giá rẻ và nơi tránh căng thẳng ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ. Nhưng đất nước có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, trừ khi năng suất được cải thiện. Trước áp lực phải cải thiện trình độ lực lượng lao động và đào tạo kỹ năng số, Chính phủ vào tháng 7 đã đặt mục tiêu cung cấp giáo dục trực tuyến tại 90% trường đại học, 80% trường trung học và các cơ sở đào tạo nghề vào năm 2030.
Người dân cũng ngày càng quan tâm đến giáo dục. Theo Tổng cục Thống kê, chi tiêu hàng năm cho giáo dục tăng 2,3 lần trong 10 năm qua lên khoảng 7 triệu đồng/học sinh vào năm 2020. Ngày càng nhiều phụ huynh gửi con đến các trường luyện thi và các hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là ở thành phố.
Ngoài những cái tên đã nổi tiếng như FPT, các công ty khởi nghiệp cũng đang tận dụng sự bùng nổ trên. Nhà điều hành trường tư EQuest Education Group nhận được khoản đầu tư 100 triệu USD từ công ty cổ phần tư nhân KKR của Mỹ vào cuối tháng 5. EQuest tập trung vào giáo dục tiếng Anh và kỹ thuật số, mà công ty coi là yếu tố quan trọng để lực lượng lao động có thể cạnh tranh trên toàn cầu. Theo CEO Nguyễn Quốc Toàn, công ty hướng tới mục tiêu cung cấp nền giáo dục chất lượng cao với chi phí rẻ nhất có thể.
Nền tảng giáo dục được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo Clevai huy động được 2,1 triệu USD từ một nhóm các quỹ đầu tư của Singapore và Mỹ.
Trong khi đó, một số doanh nhân Việt Nam đang triển khai hoạt động kinh doanh tại Mỹ. Elsa, một ứng dụng nhằm cải thiện khả năng phát âm tiếng Anh, huy động được 15 triệu USD trong năm nay, bao gồm cả từ quỹ đầu tư liên kết với Google. Ứng dụng có khoảng 13 triệu người dùng tại hơn 100 quốc gia.
Các vấn đề về cơ cấu có thể cản trở sự bùng nổ học tập trực tuyến của Việt Nam. Kết nối Internet vẫn còn hạn chế ở vùng nông thôn của đất nước. Và giống như Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam có thể dễ dàng áp đặt hạn chế đối với các công ty giáo dục tư nhân.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp giáo dục của Việt Nam chỉ mới bắt đầu khởi sắc. Cho đến nay, chưa có người chiến thắng rõ ràng nào trong lĩnh vực này và các công ty có thể tận dụng những hợp đồng hợp tác mới và các cơ hội kinh doanh khác để mở rộng.