VNReport»Kinh tế»Khách quốc tế hồi phục chậm

Khách quốc tế hồi phục chậm

15:53 - 19/10/2022

Dù đã mở cửa trở lại, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đông và chủ yếu là những đoàn nhỏ lẻ.

Khó đạt mục tiêu 5 triệu khách quốc tế

Năm 2022 đánh dấu giai đoạn phục hồi của ngành du lịch Việt Nam sau 2 năm “đóng băng” do đại dịch. Tần suất chuyến bay nội địa đã quay trở lại mức năm 2019. Mặc dù ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan về nguồn khách, song tốc độ tăng trưởng của thị trường du lịch quốc tế vẫn chưa thể tăng trở lại như thời điểm trước dịch Covid-19.

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, 9 tháng năm 2022, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 1,7 triệu lượt, thấp hơn nhiều so với trước đại dịch và chỉ đạt 33% so với kế hoạch đề ra cho cả năm 2022. Kể cả Khánh Hòa là địa phương đón 2,1 triệu lượt khách lưu trú, tăng 342,4% so với cùng kỳ năm trước (vượt 76,3% kế hoạch); tuy nhiên trong số đó, khách quốc tế chỉ khoảng 155.500 lượt.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt kỳ vọng

Như vậy, ngành Du lịch mới đi được 1/3 chặng đường mục tiêu 5 triệu khách quốc tế đến Việt Nam. Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm 2022, các địa phương, doanh nghiệp lữ hành đang cố gắng tăng tốc để thu hút du khách.

Ông Đỗ Ngọc Cơ – Chủ tịch Hội Lữ hành Huế cho biết, Sở Du lịch Huế thời gian qua đã tập trung vào việc chủ động kết nối các thị trường khách truyền thống, mở rộng kết nối các thị trường mới có tính thay thế. Mới đây Hội Lữ hành Huế đã tổ chức chuyến famtrip nhằm xúc tiến, kết nối, khảo sát tuyến Lào – Đông Bắc Thái Lan; gồm 30 doanh nghiệp lữ hành ở Huế và 6 doanh nghiệp lữ hành Quảng Bình, Quảng Trị và Đà Nẵng. Kết quả rất khả quan, ngay trong tháng 10 tới, hai bên sẽ bắt đầu khai thác, đưa khách đến cho nhau.

Tương tự, tỉnh Khánh Hòa đang nỗ lực để đa dạng hóa khách quốc tế bù vào thị trường nội địa, đẩy mạnh xúc tiến thị trường Đông Nam Á như: Thái Lan, Malaysia… và nỗ lực khai mở các thị trường khách mới như: Ấn Độ, Kazakhstan. Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh dự kiến từ đầu tháng 10 sẽ tổ chức các chuyến bay charter từ Kazakhstan đến Cam Ranh với tần suất 2 chuyến/tuần hứa hẹn thúc đẩy hoạt động du lịch tại địa phương hơn nữa.

Trong khi đó, Sở Du lịch TP Đà Nẵng vừa phối hợp với Tập đoàn Mikazuki (Nhật Bản) tổ chức chương trình quảng bá điểm đến, trong đó chú trọng triển khai các thỏa thuận hợp tác và giới thiệu các sản phẩm du lịch mới.

Dù rất nỗ lực song ông Đinh Ngọc Đức – Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) nhìn nhận thị trường khách quốc tế vẫn hồi phục rất chậm, chưa thể tăng trở lại như thời điểm trước dịch Covid-19. Mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế năm 2022 gần như không thể đạt được.

Lấy đà bứt tốc cho năm 2023

Ông Trần Thế Dũng – Tổng Giám đốc Công ty CP lữ hành Fiditour cho biết những đoàn khách tới Việt Nam hiện vẫn mang tính chất thăm dò. Tuy nhiên, phản hồi của họ rất tốt và đây sẽ là tiền đề để các đối tác nước ngoài đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt Nam đã trở lại bình thường. Với tình hình hiện tại, ông Dũng kỳ vọng những đoàn khách quốc tế lớn sẽ quay trở lại Việt Nam đều đặn hơn vào quý 2 năm 2023.

Còn ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, ngành du lịch Việt Nam xem năm 2023 là thời điểm tốt để chuẩn bị cho hoạt động thu hút khách quốc tế. Trong đó, các thị trường gần trong khu vực Đông Nam Á sẽ được ưu tiên bên cạnh thị trường tiềm năng lớn như Ấn Độ. Sau đó, ngành du lịch tính đến khôi phục các thị trường xa hơn như Tây Âu, Úc, Mỹ…

Theo ông Bình, cho đến thời điểm này, có thể nói rằng Việt Nam khó có thể đạt được con số 5 triệu khách quốc tế như mục tiêu đề ra ban đầu. Tuy nhiên, các hoạt động xúc tiến du lịch tổ chức vào thời điểm này chính là một trong những cơ hội tốt để các doanh nghiệp kết nối, chuẩn bị thu hút du khách trong năm sau.

Ông Hoàng Nhân Chính – Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cũng cho rằng, thay vì chú trọng quá nhiều vào việc đặt mục tiêu số lượng khách quốc tế đến Việt Nam, ngành du lịch cần phấn đấu làm thế nào để thu được nhiều tiền hơn nữa. Không nhất thiết số lượng khách năm sau phải cao hơn năm trước, mà quan trọng là doanh thu từ du lịch phải tăng, thông qua việc thu hút những thị trường khách có khả năng chi trả cao.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Hương – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, để thu hút du khách quốc tế, Việt Nam phải đơn giản hóa thủ tục xuất – nhập cảnh cho khách du lịch; mở rộng việc miễn visa đơn phương và kéo dài thời gian được miễn visa (hiện tại là 15 ngày) để thu hút khách nghỉ dưỡng dài ngày.

Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, giải pháp trọng tâm để phục hồi và phát triển thị trường khách quốc tế bền vững là tăng cường liên kết để tạo sản phẩm mới. Chính vì vậy, khi triển khai liên kết có thể tạo nên các tour, tuyến hấp dẫn; gia tăng sức hút của mỗi địa phương. Trong đó, việc liên kết phải đi vào thực chất và cần chọn một địa phương làm “nhạc trưởng”.

Để có thể “bứt tốc” trong năm 2023, du lịch Việt Nam cũng cần kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó quan trọng nhất là thay đổi chính sách thị thực thuận lợi hơn vì đây là yếu tố quyết định tới việc thu hút khách quốc tế. Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam cần tập trung và phát triển tiếp thị điện tử, tăng cường các chiến dịch truyền thông ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi trong việc làm visa điện tử, tăng cường các chuyến bay quốc tế… để hút khách quốc tế tới Việt Nam.