VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Thị trường nội địa co lại, doanh nghiệp Trung Quốc áp lực mở rộng ra nước ngoài

Thị trường nội địa co lại, doanh nghiệp Trung Quốc áp lực mở rộng ra nước ngoài

14:14 - 17/02/2023

Trong khi sự tăng trưởng trong nước dần chậm lại, các doanh nghiệp Trung Quốc cần tìm cách thâm nhập thị trường nước ngoài.

Theo Bloomberg, trong suốt 20 năm qua, việc tập trung vào thị trường nội địa của các doanh nghiệp Trung Quốc đã mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng trưởng chậm lại và sự lạc quan vào thị trường này dần đi xuống.

Cách đây 5 năm, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc tăng trưởng cao gấp 2,5 lần Mỹ. Tuy nhiên doanh số bán lẻ tại Trung Quốc đang bắt đầu chững lại khi nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm thấp. Nguyên nhân xuất phát từ đại dịch Covid-19 gây ra thiệt hại vô cùng lớn và ảnh hưởng tới xu hướng tiêu dùng tại Trung Quốc.

Người dân Trung Quốc ngày càng giảm chi tiêu tiêu dùng

Xu hướng tiết kiệm đang làm trầm trọng hơn vấn đề tiêu dùng của Trung Quốc. Sau Covid-19, tỷ lệ tiết kiệm của quốc gia này tăng gần gấp đôi, lên mức 30%. Người dân nước này đã gửi 2.600 tỷ USD vào ngân hàng trong năm ngoái, nhưng chưa đến 30% số tiền đó được chi tiêu. Họ chủ yếu gửi vào tài khoản tiết kiệm dài hạn.

Logan Wright – Giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Rhodium Group, cho rằng sự hồi phục của sức tiêu dùng sẽ không nhiều và chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Ông dự đoán, sau khi tăng trưởng nhanh chóng vào khoảng quý II năm nay, chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc sẽ nhanh chóng mất đà.

Bất chấp nỗ lực của chính quyền Trung Quốc trong việc thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng nội địa, người dân nước này vẫn không muốn mở hầu bao do lo lắng trước những bất định về triển vọng tăng trưởng của nước này.

Trên thực tế, xu hướng chững lại trong tiêu dùng tại Trung Quốc đã bắt đầu từ trước năm 2020. Tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã giảm xuống dưới Mỹ từ năm 2019.

Theo Tổng cục Thống kê nước này, hai trong số các lĩnh vực tăng trưởng mạnh nhất tại Trung Quốc trong năm 2022 là dầu mỏ và thuốc men. Nguyên nhân xuất phát từ cuộc xung đột Ukraine và nhu cầu tích trữ thuốc men khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Nếu không có hai lĩnh vực này, doanh số bán lẻ của Trung Quốc có thể còn tụt xuống sâu hơn nữa.

Thị trường tiêu dùng của Trung Quốc dần co lại đang thúc đẩy các doanh nghiệp nước này mở rộng ra nước ngoài. Các doanh nghiệp công nghệ và tiêu dùng của Trung Quốc cũng đang học hỏi từ một loạt công ty khởi nghiệp thành công tại Mỹ.

Một ví dụ nổi bật là ByteDance – công ty đứng sau nền tảng TikTok và Douyin. Theo Financial Times, TikTok – phiên bản quốc tế của Douyin, đã nhắm đến mục tiêu doanh thu 10 tỷ USD. Con số này tương đương với những gì mà Alibaba thu được từ thị trường quốc tế vào năm 2022.

Trong khi đó, Tencent cũng đang làm tốt trong việc mở rộng ra nước ngoài, chủ yếu dưới dạng trò chơi điện tử và các nhà sản xuất trò chơi.

Một ví dụ khác là Shein, công ty khởi nghiệp trong ngành thời trang nhanh đã đạt doanh thu 24 tỷ USD vào năm ngoái, theo Wall Street Journal. Thành công của Shein đã truyền cảm hứng cho PDD Holdings, công ty mẹ của nền tảng mua hàng Pinduoduo, thử sức với thị trường Mỹ.

PDD Holdings đã ra mắt ứng dụng mua sắm Temu tại Mỹ vào cuối năm ngoái. Với hướng đi mới, tốc độ tăng trưởng của PDD rất nhanh, đạt doanh thu tăng gần gấp đôi trong năm ngoái.

Theo Bloomberg, trước khi sự tăng trưởng ở quê nhà hoàn toàn cạn kiệt, những gì mà các doanh nghiệp Trung Quốc cần làm là tìm cách thâm nhập thị trường nước ngoài,