VNReport»Công nghệ»Thiết bị»Thị trường smartphone Việt Nam giảm 30% trong quý I/2023, mạnh nhất từ trước đến nay

Thị trường smartphone Việt Nam giảm 30% trong quý I/2023, mạnh nhất từ trước đến nay

13:33 - 26/05/2023

Tình hình kinh tế vĩ mô xấu và nhu cầu yếu của người tiêu dùng khiến lượng xuất xưởng của tất cả các thương hiệu smartphone đều giảm, trừ Apple.

Thị trường smartphone Việt Nam giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý I/2023, theo Counterpoint Research. Điều này đánh dấu mức giảm sau nhất trong các quý I từ trước đến nay.

Theo Counterpoint, tình hình kinh tế vĩ mô xấu và nhu cầu tiêu dùng yếu khiến mọi người hoãn lại quyết định mua smartphone trong 3 tháng đầu năm.

Quý I, GDP của Việt Nam tăng trưởng 3,3% – một trong những mức thấp nhất trong các năm gần đây. Sản xuất, xuất khẩu đầu tư nước ngoài đều giảm. Vì điều kiện kinh doanh kém, các nhà bán lẻ phải thu hẹp kế hoạch mở rộng và đánh giá lại chiến lược kinh doanh của mình. Các cửa hàng bán lẻ giảm thời gian hoạt động để tiết kiệm chi phí tiền lương cho nhân viên. Lượng khách đến cửa hàng bán lẻ cũng khá thấp sau Tết Nguyên đán.

Ban đầu, các thương hiệu dự đoán sai nhu cầu, dẫn đến tích tụ hàng tồn kho trong kênh phân phối. Sau đó, các nhà bán lẻ cố gắng giải phóng lượng hàng tồn kho bằng cách giảm giá. Trong quý I, tất cả những thương hiệu hàng đầu trừ Apple đều ghi nhận lượng xuất xưởng giảm so với cùng kỳ.

Nhà phân tích cấp cao Glen Cardoza của Counterpoint cho biết: “Tình hình khó khăn trên thị trường smartphone Việt Nam khó có thể được giải quyết trong quý II/2023. Thị trường smartphone sẽ mất một thời gian để phục hồi trước những khó khăn mà nền kinh tế đang phải gánh chịu. Việt Nam – một trong những nước xuất khẩu smartphone hàng đầu thế giới – cũng mong muốn nền kinh tế toàn cầu ổn định. Khi tình hình bắt đầu cải thiện vào cuối năm 2023, thị trường có thể được hưởng lợi từ nhu cầu bị dồn nén, đặc biệt là ở phân khúc giá thấp hơn”.

Samsung là thương hiệu dẫn đầu trong quý I/2023 với 30% thị phần, mặc dù lượng xuất xưởng giảm 32% so với cùng kỳ. Samsung xếp hạng cao nhất nhờ dải sản phẩm rộng và các mẫu điện thoại cạnh tranh. Ví dụ, Galaxy A04 đứng đầu trong phân khúc giá dưới 200 USD và rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Trong phân khúc giá 200-400 USD, Samsung cũng giành 7/10 vị trí cao nhất, dẫn đầu là Galaxy A14 5G. Đây là hai phân khúc giá lớn nhất tại Việt Nam trong quý I, chiếm 71% thị trường. Thị phần lớn của những phân khúc giá thấp và sở thích của khách hàng đối với những thương hiệu ngoài Trung Quốc giúp Samsung duy trì vị trí dẫn đầu ở Việt Nam.

Đối với Oppo, dòng A17 được tiêu thụ phổ biến kể từ khi ra mắt vào quý IV/2022. Oppo A17 và A17k cùng nhau chiếm 24% tổng lượng xuất xưởng của Oppo trong quý I/2023. Với thị phần ngày càng tăng của phân khúc trên 600 USD, Oppo cũng ra mắt Find N2 Flip ở Việt Nam. Mẫu này được giảm giá tối đa 200 USD khi đặt trước để đối phó với sự cạnh tranh về giá ngày càng tăng trong phân khúc giá cao.

Apple leo lên vị trí thứ ba trong quý I. Đầu quý, dòng iPhone 14 Pro có nhu cầu cao, nhưng sau đó cũng giảm dần. Apple bất ngờ giảm giá iPhone trong quý để thúc đẩy nhu cầu và giải phóng lượng hàng tồn kho cao trên các kênh phân phối. Giá của iPhone 14 Pro Max giảm trung bình 12% trong quý I so với giá ra mắt. Nhờ giảm giá, lượng xuất xưởng Apple tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này giúp phân khúc giá trên 600 USD chiếm 24% thị phần trong quý I/2023, so với chỉ 17% trong quý I/2022.

Trong khi đó, Xiaomi và Vivo trải qua một quý rất khó khăn, lần lượt giảm 46% và 52% so với cùng kỳ. Nhu cầu ở phân khúc giá dưới 200 USD giảm trong quý I/2023 với lượng xuất xưởng kém hơn 38% so với cùng kỳ. Hai thương hiệu đến từ Trung Quốc đều mất thị phần trong quý vì một tỷ lệ lớn sản phẩm của họ thuộc phân khúc giá này.

Tỷ lệ hàng trực tuyến giảm xuống 15% trong I/2023 từ 17% trong quý IV/2022, do hoạt động quảng cáo trên kênh trực tuyến giảm sau kỳ nghỉ lễ. Với việc các chuỗi bán lẻ ngoại tuyến cũng giảm giá điện thoại cao cấp, các nền tảng thương mại điện tử khó thu hút khách hàng hơn.

Chính phủ coi kết nối 5G là một yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, với mục tiêu 100% thiết bị kết nối với mạng 5G vào năm 2030. Lượng xuất xưởng smartphone 5G đang tăng theo đó, cao hơn 18% trong quý I so với cùng kỳ. Mặc dù lượng xuất xưởng smartphone 5G ở phân khúc dưới 200 USD vẫn chưa tăng, lượng xuất xưởng trong phân khúc 200-400 USD tăng gấp đôi trong quý I so với cùng kỳ.

Nhận xét về triển vọng của thị trường smartphone Việt Nam, Counterpoint cho rằng nhiều khả năng thời gian để thị trường hồi phục sẽ lâu hơn, vì Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nhu cầu tiêu dùng thấp và tích tụ hàng tồn kho. Họ dự kiến thị trường không tăng trưởng trong năm 2023 so với năm ngoái. Về dài hạn, một khi Chính phủ thương mại hóa 5G, sẽ có những cơ hội mới để đầu tư và sản xuất ở Việt Nam. Điều này cũng là một trong các động lực hồi phục kinh tế đất nước.