VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Thị trường tiêu dùng nội địa chưa được khai thác đúng tầm

Thị trường tiêu dùng nội địa chưa được khai thác đúng tầm

16:48 - 12/01/2023

Với quy mô 100 triệu dân và mức sống người dân ngày càng gia tăng, thị trường nội địa là “miếng bánh” hấp dẫn song chưa được các doanh nghiệp khai thác hiệu quả.

Năm 2022, thị trường nội địa được đánh giá có sự hồi phục mạnh mẽ khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5,679,9 triệu tỉ đồng, tăng 19,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tỉ lệ này tăng 15,6% (năm 2021 giảm 6,7%).

Với quy mô 100 triệu dân, mức sống người dân ngày càng được nâng cao, thị trường nội địa Việt Nam đang được đánh giá là “miếng bánh” hấp dẫn để các doanh nghiệp tận dụng khai thác, nhất là trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, biến động.

Ông Bùi Văn Tiến – Tổng Giám đốc Tổng Công ty May Việt Tiến dự báo trong năm 2023 tình hình thị trường xuất khẩu và đơn hàng sẽ không cải thiện nhiều. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp đã chủ động, song hành đẩy mạnh cả hoạt động xuất khẩu và mở rộng thị trường nội địa. Đối với thị trường nội địa, đến nay Việt Tiến đã mở rộng và có trên 1.000 cửa hàng, đại lý trên khắp các tỉnh, thành phố.

Bà Phạm Thị Huân – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cũng chia sẻ, dù sản phẩm trứng của Ba Huân đã xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Malaysia nhưng doanh nghiệp vẫn xác định nội địa là thị trường chủ lực.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, sản phẩm hàng hóa Việt Nam phải đối mặt với không ít rủi ro từ những “đứt gãy” của chuỗi cung ứng toàn cầu, vậy nên bên cạnh việc tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, một số doanh nghiệp đã chú trọng khai thác thị trường nội địa.

Tuy nhiên, khó khăn nhất khi quay lại thị trường nội địa là các doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm đại trà cùng loại giá rẻ. Doanh nghiệp buộc phải tìm hiểu kỹ nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời lựa chọn cho mình một phân khúc phù hợp để có chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước.

Thông tin về giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho hay, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với Bộ NN&PTNT kết nối hiệu quả giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo ổn định cung cầu, giá cả hàng hoá và nguồn gốc xuất xứ.

Song song với đó, thực hiện nhất quán quản lý chất lượng hàng hoá lưu thông trong nước bằng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với thông lệ quốc tế; triển khai áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Ngoài ra, hai Bộ cũng phối hợp với các tỉnh thành hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa tiêu dùng trong nước, trong đó ưu tiên phát triển các chuỗi cung ứng hàng nông sản thực phẩm thiết yếu.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, TS Vũ Vinh Phú cho rằng, để thị trường trong nước phát triển bền vững cần đẩy mạnh liên kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong phối hợp tiêu thụ sản phẩm để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu ra và thị trường tiêu thụ đầu ra, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường quốc tế.

Về phía các bộ, địa phương, hiệp hội cũng cần liên kết chặt chẽ hơn nữa để xây dựng những tuần lễ kết nối, tiêu thụ sản phẩm theo ngành hoặc đa ngành, kết hợp online và tập trung. Chẳng hạn như, tổ chức các hội chợ bán hàng online theo từng sản phẩm, theo tuần; liên kết một số sàn thương mại điện tử để cùng thực hiện, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng.