VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Việt Nam phụ thuộc nhiều hơn vào xăng dầu nhập khẩu

Việt Nam phụ thuộc nhiều hơn vào xăng dầu nhập khẩu

14:21 - 11/02/2022

Khả năng hoạt động hết công suất của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trong năm 2022 không chắc chắn. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp lọc dầu Hàn Quốc, Malaysia tăng cường xuất khẩu xăng dầu vào Việt Nam.

Căng thẳng tài chính và sự không chắc chắn về triển vọng hoạt động trong năm 2022 của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có thể cản trở đáng kể tham vọng của Việt Nam trong việc tự chủ hoàn toàn về xăng dầu. Các doanh nghiệp lọc dầu của Hàn Quốc và Malaysia muốn tận dụng điều này để thúc đẩy doanh số bán các sản phẩm chưng cất vào Việt Nam.

Công suất lọc dầu giảm có thể khiến Việt Nam tăng cường nhập khẩu xăng dầu.

Công suất lọc dầu giảm có thể khiến Việt Nam tăng cường nhập khẩu xăng dầu.

Triển vọng sản xuất năm 2022 của khu liên hợp lọc dầu lớn nhất Việt Nam vẫn đang mờ mịt sau khi công ty này cắt giảm công suất vận hành vì không thanh toán được dầu thô Kuwait cho đợt giao hàng tháng 1 do thiếu hụt thanh khoản nghiêm trọng.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) và một số bên liên quan khác của nhà máy lọc dầu có công suất 200.000 thùng/ngày ở tỉnh Thành Hóa đã đồng ý về một kế hoạch tài trợ khẩn cấp ngắn hạn. Kế hoạch này sẽ giúp nhà máy mua nguyên liệu chính là dầu thô Kuwait và duy trì hoạt động bình thường. Tuy nhiên, các nguồn tin trong ngành cho biết khoản tài trợ đó có thể chỉ là một giải pháp tạm thời.

PetroVietnam sở hữu 25,1% cổ phần tại Nghi Sơn cùng với Kuwait Petroleum International (35,1%), Idemitsu Kosan (35,1%) và Mitsui Chemicals (4,7%).

Với giá dầu thô chuẩn quốc tế tăng vượt mốc 90 USD/thùng, việc đảm bảo dầu thô nguyên liệu hàng tháng trở nên cực kỳ tốn kém và khoản tài trợ khẩn cấp có thể không đảm bảo được hoạt động ổn định của nhà máy lọc dầu trong suốt cả năm, theo một giám đốc tại một trong các bên liên quan.

Hiện tại, Nghi Sơn có thể duy trì một mức công suất nhất định nhưng triển vọng cả năm vẫn ảm đạm. Trong khi đó các công ty kinh doanh và phân phối nhiên liệu trong nước gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung từ nhà máy lọc dầu này.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận rằng các cây xăng ở một số tỉnh gần đây tạm ngừng kinh doanh xăng dầu một phần do khan hiếm nguồn cung.

Trong nỗ lực bù đắp cho sản lượng giảm sút của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã nâng tỷ lệ vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất vào ngày 7/2 từ 103% lên 105%. Đây là lần tăng thứ 2 mà BSR thực hiện trong 2 tuần qua, sau khi tăng công suất lên 103% từ mức 100% vào ngày 26/1.

Tuy nhiên, việc nâng sản lượng tại Dung Quất không đủ bù đắp sự thiếu hụt từ nhà máy Nghi Sơn và Việt Nam nhiều khả năng phải tăng nhập khẩu từ các nhà cung cấp lớn như Hàn Quốc và Malaysia trong những tháng tới. Theo một số chuyên gia, đây sẽ là đòn giáng vào tham vọng đạt được khả năng tự cung tự cấp nhiên liệu lỏng vào khoảng năm 2025.

Cơ hội cho Hàn Quốc, Malaysia

Cân nhắc đến năng lực sản xuất xăng dầu của Việt Nam, nhiều doanh nghiệp lọc dầu trong khu vực, đặc biệt là ở Hàn Quốc và Malaysia, mong muốn nắm bắt cơ hội để đẩy mạnh việc bán nhiên liệu giao thông cho thị trường gần 100 triệu dân.

5 nước xuất khẩu xăng dầu hàng đầu vào Việt Nam. Đơn vị: triệu tấn. Nguồn: Tổng cục Hải quan, S&P Global Platts.

5 nước xuất khẩu xăng dầu hàng đầu vào Việt Nam. Đơn vị: triệu tấn. Nguồn: Tổng cục Hải quan, S&P Global Platts.

Theo số liệu mới nhất từ ​​Tổng cục Hải quan, Hàn Quốc là nhà cung cấp các sản phẩm xăng dầu lớn nhất của Việt Nam trong 2 thập kỷ qua, trước khi mất vị trí số một vào tay Malaysia vào năm 2021.

Các nhà lọc dầu của Hàn Quốc nói với S&P Global Platts rằng họ rất mong muốn phục hồi kim ngạch xuất khẩu sản phẩm của mình sang Việt Nam; đặc biệt là sau vài năm gần đây khi doanh số bán hàng kém đi chủ yếu do khu liên hợp lọc dầu Nghi Sơn hoàn thành và sự bùng phát của đại dịch.

Dữ liệu mới nhất từ ​​Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Hàn Quốc cho thấy tổng khối lượng xuất khẩu xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay sang Việt Nam giảm xuống còn 11,17 triệu thùng năm 2021 từ mức 21,87 triệu thùng năm 2020. Tuy nhiên, nước này có thể đặt mục tiêu tăng doanh số lên khoảng 17-18 triệu thùng vào năm 2022, theo 5 nhà tiếp thị và kinh doanh tại các công ty lọc dầu lớn ở Hàn Quốc.

“Mục tiêu có thể được nâng lên vào cuối năm nếu lĩnh vực hàng không và du lịch của châu Á phục hồi hoàn toàn”, một giám đốc tiếp thị của S-Oil cho biết.

Còn ở Malaysia, các nhà kinh doanh sản phẩm xăng dầu cũng đang tìm cách tăng cường xuất khẩu sang Việt Nam.

“Vị thế không vững chắc của Việt Nam là một cơ hội vàng để bán hàng vì tổng công suất chế biến dầu thô và sản xuất nhiên liệu của Malaysia sẵn sàng tăng mạnh trong năm nay, phần lớn nhờ vào việc tái khởi động Khu liên hợp Pengerang 280.000 thùng/ngày của đất nước”, theo một nhà tiếp thị của Petronas.