VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Thiếu công nhân khiến sản xuất ở Đông Nam Á gặp khó

Thiếu công nhân khiến sản xuất ở Đông Nam Á gặp khó

09:36 - 16/10/2021

Việt Nam, Malaysia và Thái Lan đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt công nhân, gây thêm áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tình trạng thiếu công nhân tại một số trung tâm sản xuất Đông Nam Á đang làm gia tăng cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu, dự kiến ​​sẽ ảnh hưởng lớn đến mùa mua sắm Giáng sinh.

Các nước bao gồm Việt Nam, Malaysia và Thái Lan vẫn đang áp dụng những biện pháp kiềm chế Covid-19, gây ra sự gián đoạn trong việc di chuyển của lực lượng lao động cần thiết để sản xuất hàng hóa. Những gián đoạn đó có thể gây ra vấn đề lớn cho các nhà bán lẻ trước kỳ nghỉ lễ.

Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại công ty nghiên cứu IHS Markit, cho biết: “Sự phục hồi trong tăng trưởng kinh tế ở nhiều thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, bao gồm Mỹ và EU, đang thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu của ASEAN”.

Tuy nhiên, theo ông, cuộc khủng hoảng lao động ở các khu vực bị ảnh hưởng sẽ vẫn tồn tại, khiến những ngành có mức lương thấp như sản xuất và nông nghiệp dễ bị tổn thương cho đến khi những hạn chế biên giới được nới lỏng.

Các nhà máy của Việt Nam đang nỗ lực tìm công nhân

Tại Việt Nam, các nhà máy sản xuất quần áo, giày dép và đồ điện tử hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu công nhân sau khi hàng chục nghìn người rời khỏi TP HCM sau nhiều tháng bị phong tỏa nghiêm ngặt.

Các nhà máy ở Việt Nam đang tìm cách đưa công nhân trở lại an toàn.

Các nhà máy ở Việt Nam đang tìm cách đưa công nhân trở lại an toàn.

Nhiều người lao động đổ xô đến thành phố đã trở về quê sau khi quá mệt mỏi và sợ hãi trước đại dịch.

Những đợt phong tỏa trước đó gây ra nhiều vấn đề, với việc Nike cảnh báo về “những trở ngại trong chuỗi cung ứng”, trong khi việc giao iPhone 13 của Apple cũng bị trì hoãn, Nikkei đưa tin.

Các nhà máy hiện đang tìm cách để đưa công nhân trở lại một cách an toàn, theo VnExpress. Điều đó có thể làm chậm quá trình sản xuất hơn nữa vì những quy tắc phòng chống dịch sẽ tiêu tốn thêm thời gian và chi phí quản lý.

Cuộc khủng hoảng lao động nhập cư ở Malaysia gây căng thẳng cho ngành công nghiệp dầu cọ

Ở Malaysia, ngành công nghiệp dầu cọ phải đối mặt với vấn đề tương tự, nhưng với lao động nhập cư nước ngoài.

Malaysia sản xuất khoảng 1/3 lượng dầu cọ thế giới.

Malaysia sản xuất khoảng 1/3 lượng dầu cọ thế giới.

Malaysia sản xuất khoảng 1/3 lượng dầu cọ trên thế giới. Loại dầu này được sử dụng trong nhiều sản phẩm khác nhau, từ socola đến chất tẩy rửa và dầu gội đầu. Tuy nhiên, ngành công nghiệp dầu cọ của nước này từ lâu đã phụ thuộc vào lao động nhập cư từ các nước như Indonesia và Bangladesh để thu hoạch vụ mùa.

Khi số ca nhiếm Covid-19 bùng nổ trong nước – tăng gấp 4 lần trong 2 tháng lên khoảng 25.000 ca nhiễm mỗi ngày vào cuối tháng 8 – Malaysia đưa ra các biện pháp hạn chế di chuyển và kiểm soát biên giới nghiêm ngặt. Theo New Straits Times, người lao động nhập cư đã rời khỏi đất nước và nhiều người không thể quay trở lại, mặc dù chính phủ gần đây nới lỏng các hạn chế để cho phép khoảng 32.000 người lao động quay trở lại, theo New Straits Times. Nhưng con số đó chưa đến một nửa trong số 75.000 lao động mà ngành đang thiếu.

Các đồn điền cọ ở Malaysia đã cố gắng lôi kéo người lao động trong nước để thay thế bằng mức lương cao và sử dụng nhiều máy móc hơn. Nhưng người dân địa phương nhìn chung không quan tâm đến công việc mà họ coi là “bẩn thỉu, nguy hiểm và hạ thấp giá trị”, Bloomberg đưa tin.

Cuộc đảo chính ở Myanmar khiến Thái Lan thiếu lao động

Ở nước láng giềng Thái Lan, các nhà máy và trang trại từng tiếp nhận hơn 1 triệu lao động nhập cư từ nước láng giềng Myanmar đã phải hứng chịu 2 đòn giáng cùng lúc.

Bất ổn chính trị là một nguyên nhân gây thiếu hụt lao động Myanmar ở Thái Lan.

Bất ổn chính trị là một nguyên nhân gây thiếu hụt lao động Myanmar ở Thái Lan.

Theo Frontier Myanmar, hàng trăm nghìn người trong số họ đã bỏ đi vì đại dịch. Và cuộc đảo chính quân sự của Myanmar vào đầu năm nay cũng tạo ra bất ổn và khiến việc gia hạn giấy phép lao động bị chậm trễ, tờ Bangkok Post đưa tin.

Thái Lan là nhà sản xuất và xuất khẩu xe ô tô, phụ tùng xe, thiết bị điện tử và thực phẩm. Và cuộc khủng hoảng lao động đang ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, đặc biệt là ở các phân khúc cấp thấp hơn như nông nghiệp.

Bộ Lao động Thái Lan đang tìm cách lấp đầy các vị trí này với lao động trong nước. Nhưng như ngành công nghiệp dầu cọ của Malaysia, Thái Lan có thể gặp phải nhiều khó khăn khi thực hiện điều này. “Đó là những công việc mà người lao động Thái Lan không muốn làm”, Bộ trưởng Lao động Suchart Chomklin cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 7 với Reuters.