VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»“Thịt lợn Mỹ xuất sang Việt Nam đang vướng hàng rào thuế”

“Thịt lợn Mỹ xuất sang Việt Nam đang vướng hàng rào thuế”

14:54 - 09/09/2021

Ngành thịt lợn của Mỹ rất cần được giảm thuế quan để tiếp cận thị trường Việt Nam, một thị trường được đánh giá có tiềm năng lớn.

Nhà Trắng gần đây ban hành một tờ thông tin công bố những tiến bộ trong quan hệ thương mại Việt – Mỹ. Một trong những nội dung của văn bản này là việc Việt Nam đang “xem xét tích cực” đề xuất của Mỹ về việc loại bỏ hoặc giảm thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) đối với các sản phẩm thịt lợn, ngô và lúa mì.

Nội dung trên nhấn mạnh thực tế rằng ngành thịt lợn của Mỹ rất cần được giảm thuế quan tại thị trường Việt Nam vốn nhạy cảm về giá.

Ngay cả trước khi bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại Việt Nam vào đầu năm 2019, ngành thịt lợn Mỹ đã nhận thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ tại đây. Ngành thịt lợn trong nước đủ để tự cung tự cấp, nhưng tầng lớp trung lưu ngày càng tăng của Việt Nam và các ngành dịch vụ thực phẩm và bán lẻ phát triển nhanh chóng đang mang đến những cơ hội hấp dẫn cho Mỹ. Ngành công nghiệp thịt lợn của Mỹ đã sẵn sàng hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước khi Mỹ rút khỏi TPP vào năm 2017.

Kim ngạch nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam trong nửa đầu 2021 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Kim ngạch nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam trong nửa đầu 2021 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

“Mặc dù Nhật Bản là thành viên TPP thu hút nhiều sự chú ý nhất của giới truyền thông khi thảo luận về khả năng tiếp cận đối với thịt đỏ của Mỹ, nhưng chúng tôi cũng coi việc cải thiện khả năng tiếp cận Việt Nam là một thắng lợi lớn”, chủ tịch kiêm CEO Liên đoàn Xuất khẩu Thịt Mỹ (USMEF) Dan Halstrom cho biết.

“Một khi Mỹ rút khỏi TPP, một hiệp định song phương với Nhật Bản có thể hiểu là ưu tiên hàng đầu đối với nông nghiệp Mỹ, và rất may là Hiệp định Thương mại Mỹ-Nhật lặp lại phần lớn lợi ích tiếp cận thị trường thịt lợn có trong TPP. Nhưng tình hình không phải như vậy tại Việt Nam, nơi mà hiệp định kế thừa TPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP) và hiệp định thương mại tự do của Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) đặt thịt lợn Mỹ vào thế bất lợi nghiêm trọng”.

Mức thuế MFN của Việt Nam đối với thịt lợn đông lạnh nhập khẩu là 15%. Thuế nhập khẩu năm 2021 từ Canada và các thành viên CPTPP khác là 7,5%, trong khi thịt lợn nhập khẩu từ EU bị đánh thuế 11,3%. Thuế suất MFN đối với thịt lợn nội tạng là 8%, trong khi đối với thịt lợn nội tạng của Canada và EU lần lượt là 2% và 6,4%. Việt Nam cũng là một điểm đến quan trọng của thịt lợn Nga, cũng được hưởng lợi từ việc áp dụng thuế quan ưu đãi.

Vào tháng 7/2020, với việc bệnh tả lợn châu Phi giáng một đòn mạnh vào sản xuất thịt lợn trong nước, Việt Nam đã giảm thuế suất MFN đối với thịt lợn nhập khẩu đông lạnh từ 15% xuống 10% nhằm tăng cường nguồn cung thịt lợn và bình ổn giá. Việc cắt giảm thuế quan này thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam, đạt tổng cộng gần 17.000 tấn trong nửa cuối năm 2020 – tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm trước và hơn gấp đôi so với lượng xuất khẩu trong nửa đầu năm. Nhưng thuế suất MFN đã quay trở lại 15% vào ngày 1/1/2021, điều này làm gia tăng bất lợi về thuế quan của thịt lợn Mỹ tại Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh lớn.

Kể từ khi việc giảm thuế suất MFN hết hiệu lực, xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam đã giảm mặc dù nhu cầu nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Trong nửa đầu năm 2021, thịt lợn và các loại thịt lợn nội tạng xuất khẩu sang Việt Nam từ các nhà cung cấp chính tăng gấp đôi so với một năm trước, đạt 185.000 tấn. Ngược lại, xuất khẩu nửa đầu năm từ Mỹ giảm 41% so với một năm trước, xuống dưới 5.000 tấn. Trong tháng 7, xuất khẩu của Mỹ giảm 94%, chỉ còn 169 tấn.

Trong số các đối thủ cạnh tranh với Mỹ, Việt Nam là thị trường đặc biệt hấp dẫn đối với các nhà xuất khẩu từ Đức và Ba Lan do các nước này không tiếp cận được với Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều thị trường xuất khẩu lớn khác do các hạn chế liên quan đến tả lợn châu Phi. Các nhà xuất khẩu của Nga cũng ở vị thế tương tự, khi Việt Nam chiếm hơn một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga trong năm nay.

Trong khi sản lượng thịt lợn trong nước của Việt Nam đã phục hồi ở một mức độ nào đó sau dịch tả lợn châu Phi và các biện pháp hạn chế Covid gần đây làm chậm lại hoạt động kinh tế, Halstrom cho biết thị trường Việt Nam vẫn là cơ hội lớn đối với thịt lợn nhập khẩu.

“Thật không may, thịt lợn Mỹ đã bị loại ra bên lề, với bất lợi về thuế quan là một trở ngại đáng kể”, Halstrom giải thích. “USMEF vui mừng rằng việc tiếp cận thị trường đối với thịt lợn của Mỹ là ưu tiên hàng đầu trong các cuộc thảo luận thương mại của chính quyền Biden với Việt Nam và chúng tôi rất nóng lòng muốn thấy những tiến triển của các cuộc đàm phán này”.