VNReport»Kinh tế»Tài chính»Thoái vốn nhà nước chậm do vướng mắc về quy định

Thoái vốn nhà nước chậm do vướng mắc về quy định

13:29 - 02/06/2021

Lãnh đạo SCIC cho biết nguyên nhân là do vướng mắc liên quan đến Nghị định 140/2020/NĐ-CP, nhưng kỳ vọng Thông tư 36/2021/TT-BTC sẽ giúp tăng tốc các thương vụ thoái vốn.

Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán liên tục lập các kỷ lục mới về các chỉ số VN-Index, HNX-Index và thanh khoản. Tuy nhiên, hoạt động thoái vốn nhà nước gần như “đóng băng” trong khoảng thời gian này.

Thông báo gần nhất của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) là việc bán 49,89% vốn điều lệ của Công ty Xuất nhập khẩu Sa Giang cho Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, thu về khoảng 348 tỷ đồng. Giao dịch này được thực hiện vào cuối năm 2020 và việc chuyển nhượng cổ phần hoàn tất vào ngày 22/1/2021.

SCIC chưa triển khai thương vụ thoái vốn nào từ tháng 1/2021.

SCIC chưa triển khai thương vụ thoái vốn nào từ tháng 1/2021.

Từ đó đến nay, SCIC không có thông báo thoái vốn nào nữa. Đồng thời, tổng công ty này thông báo hủy hàng loạt cuộc đấu giá bán vốn nhà nước tại Vocarimex, Công ty công trình giao thông Bình Thuận, Công ty thuốc ung thư Benovas, … Phiên đấu giá cổ phần Công ty công trình giao thông Bình Thuận và Benovas bị hủy bỏ do không có nhà đầu tư nào tham gia. Riêng Vocarimex có 2 nhà đầu tư đăng ký mua là Tập đoàn Kido và ông Trần Hoàng Nam, đủ điều kiện tổ chức nhưng đã dừng do chưa có văn bản hướng dẫn Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ban hành ngày 30/11/2020.

Cuối năm ngoái, Bộ Xây dựng muốn bán 13,2 triệu cổ phiếu của Tổng công ty Sông Hồng, giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau gần 20 ngày công bố phương án, Bộ Xây dựng thông báo tạm dừng do Nghị định 140 không quy định điều khoản chuyển tiếp đối với các đơn vị đã phê duyệt phương án thoái vốn trước ngày 30/11/2020.

Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) dừng phiên đấu giá bán toàn bộ cổ phần của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) để điều chỉnh phương án thoái vốn tại các doanh nghiệp niêm yết theo quy định của luật hiện hành. DATC chào bán toàn bộ lô 4 triệu cổ phiếu MSB với giá 52,4 tỷ đồng, tương ứng giá khởi điểm 13.100 đồng/cổ phiếu. Có 2 nhà đầu tư tham gia đấu giá là Công ty xây dựng và kinh doanh bất động sản Vĩnh Phúc và Công ty đầu tư và quản lý khách sạn TNH.

Ôngg Lê Song Lai, Phó Tổng Giám đốc SCIC cho biết, việc phải chờ văn bản hướng dẫn Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ban hành ngày 30/11/2020 khiến hoạt động thoái vốn của SCIC bị chững lại từ đầu năm đến nay. Cụ thể, có hai nội dung thuộc Nghị định cần hướng dẫn thực hiện là xác định giá trị văn hóa, lịch sử của doanh nghiệp và quy chế bán đấu giá mẫu.

Như vậy, vì những vướng mắc về quy định, việc thoái vốn nhà nước đã không thể tận dụng được đà thăng hoa của thị trường chứng khoán thời gian qua. Một số cổ phiếu SCIC từng đưa ra đấu giá nhiều lần trước đó nhưng không thành công đã tăng giá chóng mặt.

Chẳng hạn, SCIC nhiều lần muốn bán toàn bộ lô gần 6% vốn FPT, nhưng không thể tổ chức đấu giá do không có nhà đầu tư tham gia. Lần gần nhất, tổng công ty này rao bán lô cổ phiếu FPT với giá 2.272 tỷ đồng, tương ứng 49.400 đồng/cổ phiếu, không chênh lệch nhiều so với thị giá tại thời điểm công bố. Hiện tại, cổ phiếu FPT đã tăng lên mức 87.000 đồng/cổ phiếu, đã điều chỉnh sau khi chia cổ tức bằng tiền và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 25%.

SCIC đang nắm gần 6% vốn FPT.

SCIC đang nắm gần 6% vốn FPT.

Trong giai đoạn 2016 – 2017, SCIC đã chào bán cổ phiếu Angimex với giá 19.000 đồng/cổ phiếu trong khi thị giá dao động quanh mức 9.000 đồng/cổ phiếu. Hiện cổ phiếu AGM đang giao dịch ở mức 30.000 đồng/cổ phiếu, tăng mạnh với việc Nguyễn Kim thoái vốn và sự xuất hiện của ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Louis Agro.

Cổ phiếu MSB cũng tăng mạnh, gấp đôi giá khởi điểm mà DATC đưa ra hồi cuối năm ngoái.

“Nút thắt” quy định dường như đã được giải quyết. Cách đây một tuần, lãnh đạo SCIC cho biết Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 36/2021/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 91/2015, Nghị định 32/2018, Nghị định 121/2020 và Nghị định 140/2020. Thông tư 36/2021 hướng dẫn nhiều quy định của Nghị định 140, trong đó quan trọng nhất là hướng dẫn xác định giá trị văn hóa, lịch sử của doanh nghiệp.

“Thông tư dự kiến có hiệu lực từ 10/7/2021, dựa trên đó, tổng công ty có thể bắt đầu triển khai các thương vụ thoái vốn”, lãnh đạo SCIC cho biết.

Như vậy, nhà đầu tư có thể kỳ vọng hoạt động thoái vốn nhà nước sẽ diễn ra tích cực trong nửa cuối năm, là chất xúc tác giúp thị trường chứng khoán sôi động hơn.

Mới đây, SCIC đã công bố danh sách 88 doanh nghiệp dự kiến bán vốn năm 2021. Nhiều cái tên nổi bật được tổng công ty dự kiến bán trong năm nay là 36% vốn tại Sabeco, 50,7% vốn tại Bảo Minh, 40,7 % vốn Tổng công ty Licogi, 63,38% vốn Seaprodex, 36,3% vốn Vocarimex, 37% vốn Nhựa Tiền Phong, gần 6% vốn FPT, 53,5% vốn Vinatex, …