VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Thời trang Việt thất thế trên sân nhà

Thời trang Việt thất thế trên sân nhà

11:34 - 30/09/2022

Là một thị trường xuất khẩu nhất nhì thế giới song thời trang Việt lại lép vế, đánh rơi thị trường nội địa vào tay các thương hiệu ngoại.

“Lép vế” trước hàng ngoại

Hình ảnh quen thuộc thường thấy tại các trung tâm thương mại lớn như Vincom, Lotte, Parkson… là những chuỗi thương hiệu tên tuổi trên thế giới như Gap, Mango, Warehouse, Topshop, CK, Nike, Levi’s hay Zara, Uniqlo, H&M… lớn và bề thế, “phủ” kín thời trang từ phụ kiện, áo quần của trẻ em, giới trẻ cho đến tuổi trung niên. Trong khi đó, nếu muốn mua hàng trong nước như Elise, Ivy Moda, N&M, Blue Exchange… chỉ có thể đến các cửa hàng riêng lẻ bên ngoài trung tâm thương mại, thỉnh thoảng mới chọn được vài sản phẩm, không tiện lợi và phong phú như vào trong các trung tâm mua sắm. Thậm chí, nhiều cửa hàng còn thường xuyên đóng cửa trả mặt bằng hoặc thay đổi vị trí.

Ước tính, hiện có khoảng hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài từ trung cho đến cao cấp như Hermes, Chanel, LV, Gucci… đều có mặt tại Việt Nam. Số liệu từ Euromonitor cho thấy trên thị trường thời trang Việt Nam, không có doanh nghiệp nào nắm quá 2% thị phần tiêu thụ. Nhưng 3 doanh nghiệp đứng đầu trong top 10 đều thuộc về khối ngoại, sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng là Adidas, Inditex (đơn vị sở hữu thương hiệu Zara, Bershka, Stradivarius, Pull&Bear…) và H&M.

Thậm chí, nhiều thương hiệu dù mới đặt chân vào thị trường đã được đón nhận nồng nhiệt. Mới đây, Uniqlo công bố khai trương thêm 3 cửa hàng mới trong mùa thu đông năm nay tại Hà Nội. Chỉ sau 3 năm có mặt tại Việt Nam, thương hiệu đến từ Nhật Bản này đã có 15 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Đáng chú ý, hầu như các cửa hàng của Uniqlo đều có diện tích rất lớn và luôn thu hút đông khách hàng.

Thời trang Việt chật vật tìm chỗ đứng trên thị trường

Trong khi đó, các thương hiệu nội như Biti’s, Canifa, Việt Tiến, May 10, Nhà Bè, An Phước,… chỉ tập trung ở phân khúc sản phẩm công sở dù các công ty Việt Nam đều nhận gia công cho nhiều hãng thời trang lớn trên thế giới nên chất lượng không quá chênh lệch nếu so với sản phẩm của nhiều thương hiệu nước ngoài.

Tương tự, thị trường giày dép trong nước hầu như cũng vắng bóng thương hiệu nội địa từ nhiều năm qua. Những cái tên như Giày Thượng Đình, Vina Giầy, Vũ Chầm, Đông Hải… đình đám một thời nay ít người biết, hoặc được bày bán tại một số điểm khá khiêm tốn. Ngay cả Juno, Vascara, Bita’s… dù đã được đầu tư bài bản trong thời gian gần đây cũng rất khó để bứt phá. Có thể nói, ở Việt Nam, hiện chỉ có mỗi Biti’s còn sống được với phân khúc giày trẻ nhỏ và giày thể thao.

Ông Trần Thế Linh – Giám đốc Công ty giày Viễn Thịnh cho biết dù chuyên sản xuất cho các hãng thời trang lớn trên thế giới nhưng tại nội địa sau 3 – 4 năm không bán được hàng, công ty phải ngừng để tập trung cho đơn hàng gia công xuất khẩu.

Chật vật tìm chỗ đứng

Theo ông Phạm Văn Việt – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, chúng ta mạnh làm hàng gia công xuất khẩu và hình thành thói quen đó từ mấy chục năm qua. Tuy nhiên, trong năm nay, trước bão giá, nhu cầu mua sắm tại các thị trường châu Âu, Mỹ giảm mạnh, khoảng 20% doanh nghiệp chuyên gia công xuất khẩu quay về làm hàng bán nội địa. Song, để tìm được chỗ đứng trên thị trường không phải dễ khi đã có quá nhiều thương hiệu đang tham gia cuộc đua giành thị phần.

Bà Nguyễn Thị Trang – Giám đốc Công ty sản xuất thương mại May Đ&T, sở hữu thương hiệu thời trang tuổi trung niên D&T, cho hay công ty có gần 20 năm làm hàng thời trang cho tuổi trung niên, nhưng điểm yếu là doanh nghiệp không thể mua được nguồn nguyên phụ liệu tốt, giá tốt. 100% nguyên phụ liệu từ vải, dây kéo, hạt đá đính… đều phụ thuộc hoàn toàn hàng nhập khẩu, giá cao hơn 20 – 100%. Do vậy, hàng giá rẻ từ Trung Quốc hay hàng online mua thẳng từ nước ngoài vào với giá cả cạnh tranh hơn khiến hàng trong nước bán theo mô hình truyền thống khá chật vật.

Dù vẫn còn khó khăn nhưng theo ông Phạm Văn Việt, thời trang Việt vẫn “sống tốt” với khách hàng trung niên, không quá khó tính về mẫu mã, chuộng gu kiểu dáng truyền thống. Tuy nhiên, với giới trẻ, thời trang Việt chưa “chạm” nổi do xu hướng thời trang của đối tượng khách hàng này thay đổi quá nhanh, nên doanh nghiệp tồn kho liên tục vì lỗi mốt, không bán kịp.

Lý giải hiện tượng này, ông Lê Viết Thanh – Giám đốc hệ thống K&K Fashion cho rằng các tập đoàn toàn cầu đã có lợi thế về thương hiệu nổi tiếng. Vì vậy khi đặt chân vào thị trường Việt Nam họ nhanh chóng tiếp cận được thế hệ trẻ – nhóm khách hàng quan tâm nhiều đến thời trang, kiểu dáng thay đổi liên tục, thiết kế nhanh.

Hiện một số hộ cá nhân trong nước cũng nắm bắt được xu hướng này để mở cửa hàng có thiết kế riêng và bán song song qua kênh online. Số lượng này đang phát triển rất nhiều nhưng chưa đủ lớn để phát triển thành một thương hiệu mạnh với hàng loạt điểm bán như các tập đoàn ngoại.

Trong khi đó, thời trang trong nước để phát triển mạnh thành hệ thống thì chi phí quảng bá, xây dựng thương hiệu, thuê mặt bằng đội giá thành lên rất cao nhưng nguy cơ hàng tồn kho cũng cao vì xu hướng thời trang có tuổi đời thấp. Các nhãn hiệu riêng nhỏ lẻ cũng chỉ phục vụ cho nhóm khách hàng nhỏ nhưng chưa đủ sức để phát triển lớn hơn. Thế nên, có thể nói thời trang trong nước khá manh mún. Đây cũng là điểm yếu của các công ty lớn trong nước, thời gian đầu có thể phát triển nhanh nhưng sau một thời gian lại đóng cửa.

Mặt khác, thị trường thời trang Việt cũng đang gặp phải vấn đề là cung phát triển quá nhanh so với cầu. Năm 2022, dự báo tăng trưởng 15 – 20% cho thấy hàng tồn kho sẽ tăng cao. Hiện thị trường thời trang Việt nói chung từ áo quần, giày dép, túi xách, phụ kiện… chiếm khoảng 68 tỷ USD mỗi năm, trong đó, riêng áo quần chiếm 70% (khoảng 47,6 tỷ USD). “Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa nắm được thế chủ động trong chiếc bánh quá lớn thế này.” – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean bày tỏ.