VNReport»Kinh tế»Thu hút vốn FDI đứng trước bài toán khó

Thu hút vốn FDI đứng trước bài toán khó

16:47 - 08/02/2023

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang đứng trước bài toán khó là làm sao để mang về nhiều vốn, nhưng đảm bảo mục tiêu có dự án lớn, công nghệ cao, tạo sức lan tỏa và đáp ứng cả tiêu chí có thể chuyển giao công nghệ.

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/01/2023, Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,69 tỷ USD.

Theo GS. Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), năm 2022 là năm mà vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm trở lại đây, đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước.

Với việc dòng vốn FDI toàn cầu chảy mạnh vào Việt Nam trong năm 2022 là tín hiệu sáng về FDI chất lượng cao của các nhà đầu tư hàng đầu thế giới trong việc chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất. Dự báo, tín hiệu lạc quan này sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2023.

Báo cáo từ Ngân hàng HSBC cũng cho thấy, Việt Nam đã khởi đầu năm 2023 với dòng vốn FDI mới khả quan là 1,2 tỷ USD và nếu tính cả số vốn điều chỉnh là gần 1,7 tỷ USD trong tháng đầu năm 2023.

Dòng vốn FDI toàn cầu chảy mạnh vào Việt Nam trong năm 2022

Dù ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan song theo các chuyên gia, với mục tiêu thu hút FDI thế hệ mới tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ hiện đại thì những gì Việt Nam đang chuẩn bị để đón “đại bàng” là chưa đủ. FDI vào Việt Nam còn thiếu những “đại bàng” từ Mỹ, châu Âu.

Hơn 2 năm từ khi Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVIPA) có hiệu lực, trái với những kỳ vọng đặt ra, bức tranh thu hút FDI từ châu Âu không có nhiều thay đổi. Số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) và Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp thuộc Liên minh châu Âu chỉ chiếm 2-5% tổng vốn FDI mà EU phân bổ trên toàn thế giới.

TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, số lượng các dự án công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ nguồn từ các nước châu Âu, Mỹ… rất thấp (chỉ đạt khoảng 5%). Dự án FDI vào Việt Nam hiện chủ yếu là công nghệ trung bình, trong đó tỷ lệ lớn xuất xứ từ Trung Quốc; công nghệ lạc hậu chiếm tới 15%. Dự án quy mô lớn còn ít, đến nay mới có khoảng 26 dự án FDI tỷ USD. Số này chiếm gần 70% tổng vốn đầu tư, còn lại là các dự án nhỏ, siêu nhỏ.

Theo TS Phan Hữu Thắng, thu hút FDI đang đứng trước bài toán khó là làm sao để mang về nhiều vốn, nhưng đảm bảo mục tiêu có dự án lớn, công nghệ cao, tạo sức lan tỏa và phải đáp ứng tiêu chí có thể chuyển giao công nghệ.

“Chúng ta muốn hướng FDI vào khu vực công nghệ cao, nhưng lại không chuẩn bị “món ăn” cho họ. Như với công nghiệp điện tử, nhà đầu tư cần địa điểm thuận lợi, đi kèm hệ thống logistics, trung chuyển, lao động chất lượng cao. Chúng ta còn khá lúng túng khi phần lớn dự án quy mô lớn thời gian qua đều tự tìm đến Việt Nam. Do vậy, khâu chuẩn bị thực hiện cần được quan tâm, làm hiệu quả hơn. Nếu doanh nghiệp đầu tư dự án, các địa phương có ưu đãi gì, hạ tầng, chính sách ra sao cần chuẩn bị sẵn, để 3 tháng là có thể cấp phép. Hiện nay, dự án lớn mất 6-7 năm để cấp phép. Thời gian quá dài”, ông Thắng phân tích.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, cũng cho rằng thời gian tới, trong thu hút FDI, chính sách ưu tiên, đãi ngộ sẽ không còn là thế mạnh. FDI thế hệ mới vào Việt Nam cần môi trường thể chế minh bạch, hạ tầng phát triển, lao động chất lượng cao. Theo ông Doanh, việc cải thiện môi trường đầu tư không thể dựa vào nỗ lực của địa phương như cách cạnh tranh thời gian vừa qua như tung ưu đãi về thuế, đất mà muốn cải thiện cần sự hợp tác giữa các bộ, ban ngành.

Cùng với đó, bài toán làm sao để doanh nghiệp Việt tận dụng được lợi thế, tham gia vào chuỗi cung ứng thông qua FDI cũng là điều mà chuyên gia, doanh nghiệp băn khoăn.

Ông Ngô Hữu Hoàng – Tổng giám đốc Công ty Giza Việt Nam cho biết có nhiều diễn đàn xúc tiến đầu tư được tổ chức nhưng nhiều cuộc chưa thực chất. Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất phụ trợ không đủ điều kiện tham gia các chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn. Để phát triển công nghiệp phụ trợ, cơ quan quản lý cần hoạch định các nhà sản xuất có năng lực, tạo sự liên kết.

Mặt khác, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của dòng vốn FDI đối với nền kinh tế, tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế là vẫn còn một số doanh nghiệp FDI chuyển giá, lợi dụng sơ hở luật pháp, hạch toán lỗ nhưng trên thực tế là có lãi.

GS. Nguyễn Mại cho rằng, để hạn chế tình trạng này, các cơ quan quản lý cần rà soát, nắm rõ thông tin về các mặt hàng mà doanh nghiệp sản xuất. Cơ quan thuế cần có hệ thống hóa đơn điện tử, hạch toán trên hệ thống, phải công khai, minh bạch và cải cách hơn nữa để đạt chuẩn mực quốc tế trong hạch toán về thuế, như vậy mới chống chuyển giá, chống thất thu thuế.

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng nêu tình trạng về việc nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam chỉ để tránh các tác động của chiến tranh thương mại cũng như tận dụng FTA của Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần cẩn trọng với FDI, chú ý để xuất siêu hoặc ít nhất giữ cân bằng với thị trường Mỹ hay EU, tránh bị lợi dụng trong câu chuyện FTA.

Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 do Bộ KH&ĐT xây dựng đặt mục tiêu cụ thể là nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của một số quốc gia trong tổng số vốn FDI cả nước lên hơn 70% trong giai đoạn 2021 – 2025 và 75% trong giai đoạn 2026 – 2030, bao gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Phillipines; Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Liên bang Nga, Anh; Hoa Kỳ.